Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>>Khi Thủ tướng nói không thể cấm đưa thông tin lên mạng, Facebook
Mạng xã hội ngày càng phổ biến, nhiều thông tin thiếu kiểm chứng được lan truyền
Câu nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 14-1 khi làm việc với Văn phòng Chính phủ phản ánh thái độ, nhận thức, chính sách và sẽ là hành xử tới đây của Nhà nước về vấn đề thông tin trong điều kiện các mạng thông tin và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Giới trẻ - nói theo ngôn ngữ của họ - “like kịch liệt” câu nói của Thủ tướng. Thời buổi này, không biết giống như bị mù. “Biết” trở thành một nhu cầu như ăn như thở.
Nhu cầu biết là của người dân. Nhà nước phải có trách nhiệm làm cho người dân biết chính xác, biết đúng. Một nguyên tắc rất hay nói về dân chủ mà ai trong chúng ta cũng rành làu làu là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Biết lên hàng đầu. Nhưng đó là khẩu hiệu, không phải lúc nào và ai ăn lương nhà nước cũng nhận thức rõ điều này. Vậy nên nơi này nơi kia, việc này việc nọ cũng có tình trạng bưng bít, giấu nhẹm thông tin.
Tình trạng này không những làm thông tin bị nhiễu loạn, dân tình bất an, bán tín bán nghi mà còn được một số người có chủ đích chớp cơ hội thông tin xuyên tạc.
Nhân bàn về chuyện này, tôi nhớ lại câu chuyện hơn 10 năm trước, ngày 10-4-2004 nổ ra sự kiện Tây nguyên, Ksor Kok - “tổng thống tự phong của nhà nước Đềga tự trị” - xúi giục người đồng bào thiểu số gây ra cuộc bạo loạn.
Gia Lai, Đắk Lắk hàng ngàn người dân đổ ra đường. Công an, quân đội được triển khai để bảo đảm trật tự. Không khí có lúc rất căng thẳng. Tôi có mặt ngay từ đầu sự kiện.
Tôi đã rơi nước mắt vì bất lực bởi chỉ thị “trên chưa cho đưa tin”, khi hằng ngày phải đọc những thông tin sai lệch và ngớ ngẩn trên các kênh đài nước ngoài nói rằng người dân tộc thiểu số bị đàn áp đẫm máu, 200 người chết, rồi lên 400 người chết, rồi hàng ngàn người chết.
Tôi gặp người dân, vào buôn làng. Tôi có ngồn ngộn tư liệu, hình ảnh, băng ghi âm đủ sức chứng minh ngược lại những thông tin sai lệch trên báo đài nước ngoài, nhưng đành bất lực.
Phải bảy ngày sau báo chí trong nước mới được bật đèn xanh. Những thông tin, hình ảnh từ hiện trường đưa về giúp nhân dân cả nước và thế giới hiểu được một cách chính xác, cặn kẽ những gì đang diễn ra.
Nhưng trận địa trước đó đã bị các thế lực không thân thiện thao túng và xuyên tạc bảy ngày ròng rã. Rõ ràng đó là tổn thất, là thiệt hại. Hình dung với công nghệ mạng như bây giờ, nếu ứng phó với sự kiện như thế, lúc này tổn thất sẽ càng lớn hơn nhiều.
Với một chiếc điện thoại thông minh, giờ đây ở bất cứ đâu người dân cũng có thể tra cứu thông tin, đọc cái mình muốn, từ tin tốt đến tin xấu.
Tư duy ngăn chặn thông tin thời buổi này không khác gì việc lấy tay che mặt trời. Chủ động thông tin chính xác, kịp thời thay vì giấu giếm sẽ là cách hành xử khôn ngoan. Chỉ có minh bạch thông tin mới có thể đẩy lùi những đồn đoán, xuyên tạc.
“Không ngăn cản được”. Sự thật như ông bà mình nói: “Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Vậy cứ nói với nhau: trong bọc có cây kim đấy!