Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

VTV quá nhiều “sạn”, khán giả mất lòng tin

(09:23:12 AM 17/01/2015)
(Tin Môi Trường) - Liên tiếp gần đây, nhiều sự cố trong các chương trình truyền hình trên đài truyền hình quốc gia khiến khán giả có người bực bội: không thèm xem VTV nữa.

VTV quá nhiều “sạn”, khán giả mất lòng tin
Ảnh chụp lại từ clip chương trình "Quà tặng cuộc sống" của VTV3 trên Youtube.


Từ những hình ảnh chặt đầu ba ba ghê sợ ở chương trình Vua đầu bếp (Masterchef Vietnam) cho đến tiết mục phối trộn (mash-up) các ca khúc Tây Nguyên dùng khăn Piêu đội đầu của đồng bào dân tộc Thái để đóng khố của nhóm F Band trong chương trình Nhân tố bí ẩn, VTV khiến bạn xem đài nhiều phen ngỡ ngàng vì những sai sót không đáng có.

Nổi cộm hơn hết là câu chuyện “Nhặt xương cho thầy” trong chương trình Quà tặng cuộc sống được phát trên kênh VTV3 tối ngày 19-11 đã gây phản cảm, xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của xã hội dành cho nhà giáo và làn sóng dư luận từ vụ việc thông tin sai tuổi thật của cầu thủ Công Phượng trong chương trình Chuyển động 24h.

Gần đây, câu hỏi nhạy cảm trong chương trình Ai là triệu phú? cùng sự cố thí sinh Trần Tấn Phát uống nhầm ly nước chứa axit trong chương trình bán kết 4 Tìm kiếm tài năng - Vietnam's got talent tối 11-1 làm dư luận đặt ra câu hỏi về tính nghiêm túc của nhà đài trong quá trình sản xuất chương trình truyền hình.

 

Mới nhất, một nửa sự thật của “vợ chồng hát rong” trong chương trình Điều ước thứ 7, phát sóng tối ngày 10-1 trên VTV3 là cú sốc mạnh với khản giả cả nước.

Bức xúc với những sai sót liên tiếp của VTV, chị Hà My (Quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Tôi không còn tin tưởng, không thấy các chương trình hấp dẫn nữa”. Chương trình Điều ước thứ 7 dù đã quay lâu nhưng lỗi cũng thuộc về người sản xuất vì đã không tìm hiểu kĩ về hoàn cảnh hiện tại. Chị My cho rằng VTV nên có một lời giải thích rõ ràng với khán giả xem đài.

“Nên nhớ, báo chí là phản ánh hiện tại chứ không phải đưa những câu chuyện của quá khứ để bạn đọc mặc nhiên nó như hiện tại” - Chị Hà My lưu ý.             
          
Chị Hồ Thị Thanh Nga (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) “Đài truyền hình quốc gia mang bộ mặt quốc gia thì không nên có quá nhiều sai sót. Những “hạn sạn” do sơ suất khán giả có thể bỏ qua nhưng những sai sót về nội dung hay lừa dối khán giả thì người xem sẽ rất bức xúc, mất lòng tin”.

“Đài truyền hình cần lắng nghe và tôn trọng những ý kiến của khán giả chúng tôi để hoàn thiện hơn. Ngày nay, có nhiều đài truyền hình khác nhau với rất nhiều chương trình đặc sắc. Cứ sai sót thế này sẽ không thể cạnh tranh lại, khán giả chúng tôi cũng không đủ kiên nhẫn chờ đợi mà sẽ tìm đến kênh khác” - chị Nga cảnh báo.
          
Phải xứng tầm là truyền hình quốc gia

Tiến sĩ, nhà báo Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Đài truyền hình quốc gia dù là kênh thời sự chính trị hay văn hóa giải trí thì phải xứng tầm quốc gia, có vai trò rất lớn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Như trường hợp kênh giải trí thì không những tạo tiếng cười mà còn phải định hướng thẩm mỹ mọi mặt đời sống cho người xem truyền hình đồng thời là môi trường giao lưu, kết nối các giá trị văn hóa”.             
          
Theo tiến sĩ Dung, một kênh truyền hình giải trí mang tầm quốc gia thì các chương trình giải trí phải có tính chuẩn mực văn hóa cao, góp phần giáo dục nâng cao nhận thức, hướng con người đến giá trị chân thiện mỹ và giúp người xem biết được những kĩ năng sống thường ngày.

Tiến sĩ Trần Bá Dung cho biết: “Truyền hình giải trí là thông qua giải trí để nâng cao kiến thức đời sống. Những gì trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam thì không được đưa lên”.

Tiến sĩ Trần Bá Dung dẫn chứng các chương trình như Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú?... nếu các câu hỏi hoặc đáp án không có tính văn hóa thì không cần mang vào để giải trí, đó là những câu hỏi, đáp án không đạt yêu cầu.

Tiến sĩ Dung bức xúc khi chia sẻ: “Đáng buồn thay, một số chương trình giải trí trên kênh quốc gia lại sử dung tiếng Việt không chuẩn”.             
          
Truyền hình Việt Nam đã xã hội hóa ở rất nhiều kênh, nhất là các kênh văn hóa - giải trí và thông tin kinh tế.

Nhấn mạnh đây là một xu thế tất yếu, tuy nhiên, tiến sĩ Trần Bá Dung khẳng định: “Trong quá trình ấy cần tiếp thu ý kiến của bạn xem đài một cách nghiêm túc, chân thành, tương tác cao với khán thính giả. Khi có ý kiến của người xem, nhà đài phải có ý kiến trả lời, phát ở kênh nào thì trả lời ở kênh đó”.

Tiến sĩ Trần Bá Dung cho rằng đã là đài truyền hình quốc gia thì quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm cũng phải có những yêu cầu cao hơn. Công chúng của đài là công chúng cả nước, văn hóa trong các chương trình của đài là văn hóa mang tầm quốc gia.

Tiến sĩ Trần Bá Dung lưu ý: “Trong xu hướng truyền thông hội nhập thì quy trình sản xuất phải đặc biệt nghiêm ngặt, càng xã hội hóa càng phải kiểm tra, kiểm duyệt, quản lý kĩ càng. Đòi hỏi về  nhận thức, văn hóa, chính trị, thẫm mỹ cũng cao hơn”.

Tiến sĩ Trần Bá Dung lấy câu chuyện “Nhặt xương cho thầy” làm ví dụ. Tiến sĩ Dung nói: “Nếu phát vào một thời gian khác thì câu chuyện này không có gì để nói nhưng khi phát vào dịp 20-11 thì không phù hợp với truyền thống văn hóa người Việt Nam”...

Theo TTO