Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bình Phước: Khổ quá đường ơi! Tin ảnh

(11:00:57 AM 14/01/2015)
(Tin Môi Trường) - Dù đã “ngốn” của ngân sách 100 tỉ đồng nhưng dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 đoạn An Lộc - Chiu Riu của tỉnh Bình Phước vẫn bầy hầy, bị băm nát và trở thành con đường làm khổ dân. Vì sao người dân sống ven quốc lộ phải chịu cảnh cơ cực và các đơn vị liên quan đã, đang và sẽ làm gì trên con đường này?

Bình Phước: Khổ quá đường ơi!
Quốc lộ 13 (đoạn qua xã Thanh Phú, thị xã Bình Long, Bình Phước) đầy khói bụi - Ảnh: Hữu Khoa


Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần BOT quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư đáng lẽ phải hoàn thành dự án từ năm 2013 nhưng tới nay liên tục phá vỡ thời hạn hợp đồng.

Chưa tính đến khả năng cắt hợp đồng

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần BOT quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư được thành lập từ bảy cổ đông, trong đó Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé (trực thuộc Tỉnh ủy Bình Phước) là cổ đông lớn nhất với 30% cổ phần.

Ngoài ra còn có các cổ đông khác như Tập đoàn Công nghiệp cao su VN và các công ty: cổ phần đầu tư xây dựng Phong Phú, xây dựng Đồng Phú, An Lộc, Phước Liên và Anh Khoa.

Ông Hồ Văn Hữu, giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Phước, cho biết ban đầu khi giao Công ty BOT quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư thực hiện dự án thì lãnh đạo tỉnh đánh giá dự án sẽ thực hiện được do Nhà nước có hỗ trợ và bản thân các cổ đông của công ty này có thể dựa vào nguồn vốn từ việc bán mủ cao su và vốn vay ngân hàng.

Tuy nhiên sau này các kế hoạch trên bị trục trặc nên dự án cũng bị đình trệ. Cụ thể, UBND tỉnh Bình Phước chủ trương hỗ trợ Công ty BOT 100 tỉ đồng bằng cách giao 1.000ha đất rừng nghèo kiệt chuyển đổi cho Công ty Cao su Sông Bé trồng cao su. Đổi lại, Công ty Cao su Sông Bé sẽ chuyển tiền lại cho Công ty BOT.

Trên thực tế Công ty Cao su Sông Bé đã chuyển được 50 tỉ đồng thì bị Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, kết luận việc hỗ trợ này là không đúng quy định nên không thể tiếp tục chuyển 50 tỉ đồng còn lại.

Về nguồn vốn tự có và vốn vay ngân hàng, ông Hữu cho biết từ năm 2013 tới nay giá mủ cao su giảm mạnh đã ảnh hưởng tới nguồn thu của các công ty cao su là cổ đông của Công ty cổ phần BOT.

Ngoài ra, lãi suất cao năm 2011-2012 cũng khiến các cổ đông chần chừ không vay vốn, sau này lãi suất giảm thì các cổ đông lại chờ hỗ trợ từ tỉnh rồi mới đi vay ngân hàng.

Đặt vấn đề việc lãi suất tăng giảm thì chắc chắn khi bắt đầu đàm phán ký hợp đồng BOT đã phải tính toán, tại sao tỉnh Bình Phước không thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư trước khi ký hợp đồng?

Ông Hữu nói việc giao chủ đầu tư thực hiện dự án này là chủ trương của lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh nên không thẩm định năng lực tài chính. Về việc hủy hợp đồng với chủ đầu tư hiện tại để tìm kiếm chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án, đại diện Sở GTVT tỉnh Bình Phước cho rằng đã có thăm dò nhưng do dự án này có lưu lượng xe ít, lợi nhuận thấp nên các nhà đầu tư khác không mặn mà, vì vậy tỉnh cũng chưa tính đến khả năng cắt hợp đồng với Công ty cổ phần BOT quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư.

Hỗ trợ mới chịu làm

Ngày 13-1, UBND tỉnh Bình Phước chủ trì cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc của dự án BOT quốc lộ 13 An Lộc - Chiu Riu. Theo báo cáo của Sở GTVT Bình Phước, hiện nay dự án mới thi công được rất ít, nhiều đơn vị đã ngưng thi công. Nguyên nhân của việc chậm trễ, theo Sở GTVT, do chủ đầu tư thiếu năng lực.

Cụ thể, Công ty BOT quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư thiếu vốn và cũng chưa thực hiện vay ngân hàng để thực hiện dự án như cam kết trong hợp đồng. Ngày 7-1, công ty này tổ chức đại hội cổ đông và đưa ra yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước phải tiếp tục hỗ trợ 50 tỉ đồng mới tiếp tục góp vốn, thực hiện vay ngân hàng. Do chưa đạt được thỏa thuận này nên công ty tiếp tục bỏ bê dự án, không chịu thi công.

Trong các năm từ 2011 tới nay, tỉnh Bình Phước đã chuyển 100 tỉ đồng cho Công ty BOT quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư (gồm 50 tỉ đồng từ ngân sách, 50 tỉ đồng do Công ty Sông Bé chuyển sang). Số tiền này công ty đã nhận và giải ngân hết.

Thế nhưng, tới nay khối lượng đã hoàn thành của dự án mới chỉ khoảng 180 tỉ đồng, nếu trừ đi 100 tỉ đồng nói trên thì số tiền đóng góp của các cổ đông công ty chỉ còn 80 tỉ đồng.

Điều đáng chú ý, các cổ đông góp vốn thành lập Công ty BOT quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư cũng chính là các đơn vị thi công dự án, vì vậy số tiền họ đóng góp chủ yếu là khối lượng thi công, còn tiền mặt thì rất ít.

Theo hợp đồng BOT, Công ty cổ phần BOT quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư phải “có trách nhiệm tự thu xếp để bố trí vốn thực hiện đầu tư và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ ghi trong hợp đồng”. Thế nhưng rõ ràng tới nay chủ đầu tư đã vi phạm điều khoản này.

Ngoài ra, hợp đồng BOT còn quy định “trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký kết, chủ đầu tư phải ký hợp đồng tín dụng vay vốn ngân hàng để thực hiện dự án...”.

Thế nhưng tới nay đã sau năm năm, chủ đầu tư lấy lý do “lãi suất cao” và chờ đợi các ưu đãi từ UBND tỉnh Bình Phước nên vẫn chưa hề ký hợp đồng vay vốn ngân hàng, dẫn tới dự án không có tiền để thực hiện. Trong khi đó, nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng theo kế hoạch ban đầu chiếm tới 80% nguồn vốn đầu tư.

Đường bê bối vẫn tính chuyện thu phí

Dự án BOT quốc lộ 13 từ An Lộc tới Chiu Riu dài 32,5km; lúc đầu dự kiến mở rộng thành 24m (sau này giảm còn 19m), với tổng vốn đầu tư 685 tỉ đồng.

Theo phương án mới được Bộ Tài chính đồng ý, dự án BOT quốc lộ 13 An Lộc - Chiu Riu sẽ được đặt một trạm thu phí tại km 105+700, thuộc xã Thanh Phú, thị xã Bình Long. Vị trí này cách trạm thu phí tại km 90+300 của dự án BOT quốc lộ 13 Tham Rớt - Bình Long (đã thu phí) chưa đầy 30km.

Công ty cổ phần BOT quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư còn đang đề nghị và đã được UBND tỉnh Bình Phước đồng ý, kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính cho đặt thêm một trạm thu phí nữa tại cuối dự án, sau khi đã vận hành trạm thu phí tại km 105+700 một thời gian.

Trong khi quy định của Bộ Tài chính yêu cầu hai trạm thu phí BOT phải cách nhau tối thiểu 70km thì tại Bình Phước sẽ có ít nhất 3-4 trạm thu phí trong vòng chưa đầy 70km của quốc lộ 13, từ cầu Tham Rớt (giáp Bình Dương và Bình Phước) tới Chiu Riu (huyện Lộc Ninh, Bình Phước).

Chủ đầu tư “không nghe lời”

Ông Hồ Văn Hữu thừa nhận trách nhiệm của sở trong việc để dự án quốc lộ 13 quá bê bối. “Tôi hiểu nỗi khổ của người dân. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri người dân có phản ảnh, đường bụi quá nhiều người dân cũng gọi cho tôi. Thế nhưng có khi Sở GTVT đôn đốc nhưng chủ đầu tư không nghe” - ông Hữu nói.

Trong ngày 12-1, hàng chục hộ dân hai bên đường đã treo băngrôn phản đối, dọa sẽ chặn xe vì đường quá bụi. Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 12-1, đại diện Sở GTVT tỉnh Bình Phước nói đã yêu cầu chủ đầu tư ngay trong ngày 13-1 phải xuống tưới nước trong thời gian chờ thi công để tránh bụi cho người dân.

Thế nhưng tới cuối giờ chiều 13-1, các đoạn đường của quốc lộ 13 vẫn chưa hề có máy móc hay người của đơn vị thi công tới tưới nước theo chỉ đạo của Sở GTVT.

Đại diện Công ty cổ phần BOT quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư, chủ đầu tư dự án, trả lời Tuổi Trẻ trong ngày 13-1 rằng sau cuộc họp sáng cùng ngày, UBND tỉnh Bình Phước cam kết sẽ hỗ trợ chủ đầu tư 50 tỉ đồng từ vốn ngân sách nên sắp tới công ty sẽ thi công trở lại, tiến hành thảm nhựa một bên đoạn từ thị trấn An Lộc (thị xã Bình Long) tới xã Lộc Hưng (huyện Lộc Ninh) để người dân đi lại bớt khó khăn.

 

Bình Phước: Khổ quá đường ơi!
Người đi xe máy trên quốc lộ 13 phải dừng xe vào bên lề đường tránh bụi - Ảnh: Hữu Khoa, Xuân An
Bình Phước: Khổ quá đường ơi!
Người dân dùng các nhánh cây làm chướng ngại vật trên đường - Ảnh: Hữu Khoa, Xuân An
Bình Phước: Khổ quá đường ơi!
Quán bida ở ấp Thanh Xuân, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long phải đóng cửa do bụi - Ảnh: Hữu Khoa, Xuân An
Bình Phước: Khổ quá đường ơi!

Quốc lộ 13 đầy ổ gà, ổ voi và chưa có đèn đường - Ảnh: Hữu Khoa, Xuân An

“Thà không làm đường, dân còn đỡ khổ”

Đó là lời thốt lên của chị Nguyễn Thị Thảo (ngụ xã Thanh Lương, thị xã Bình Long), nhà ngay “mặt tiền” quốc lộ 13, nơi có dự án đang triển khai. Chị Thảo lý giải: “Trước đây dù quốc lộ 13 còn nhỏ hẹp nhưng các phương tiện có thể lưu thông bình thường. Thế nhưng từ khi khởi công dự án, “các ông ấy” băm nát mặt đường rồi để đấy suốt nhiều năm trời. Máy móc thi công đã rút đi, chỉ có người dân chúng tôi ở lại với những ổ voi, ổ gà và khói bụi mịt mù. Dự án đã làm khổ người dân quá lâu nên chúng tôi rất chán nản, thà không làm đường có lẽ chúng tôi còn đỡ khổ”.

Chị Thảo chỉ cho chúng tôi những dãy nhà dọc hai bên đường phủ một màu trắng xóa của bụi đường. Nhiều nhà không chịu nổi bụi phải liên tục đóng cửa, có hộ dân còn phải dùng bạt chắn bụi ngay trước nhà mình. Đặc biệt là mấy tháng trở lại đây, khi đơn vị thi công rút máy móc khỏi công trình không làm tiếp và cũng không chịu tưới nước chống bụi cho người dân thì người dân càng thêm khổ vì bụi.

Theo TTO