Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ông Nguyễn Quang Long, Phó giám đốc Công ty Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý cầu Long Biên) cho biết, ngoài sửa chữa thường xuyên, vào năm 2005, cầu được gia cố với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng để đảm bảo an toàn giao thông đến năm 2010. Từ đó đến nay, chưa có một lần gia cố lớn nào khác, vì thế cầu Long Biên đang xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện cầu chỉ còn 13 nhịp dầm Pháp cũ, nhiều nhịp bị cắt ngắn so với nguyên bản. Sau khi cầu bị đánh bom vào năm 1972, 6 nhịp cũ được thay bằng 17 dầm quân dụng.
"Dù nói là sửa tạm nhưng cho đến nay cầu vẫn sử dụng những dầm tạm này. Điểm yếu nhất của cầu Long Biên chính là các nhịp cầu cải tạo", ông Long cho biết.
Đại diện đơn vị quản lý cầu Long Biên cho hay, cầu vẫn chưa nằm trong danh mục duy tu đặc biệt vì thế kinh phí hàng năm vẫn hạn chế. Kinh phí duy tu bảo trì cầu trong nhiều năm khoảng 3 tỷ, trong hai năm gần đây kinh phí được nâng lên thành 7 tỷ.
Theo ông Long, nguồn kinh phí này chỉ đủ để trả lương cho 2 đội công nhân gần 80 người làm nhiệm vụ cạo gỉ sắt và sơn lại những chỗ bị gỉ mọt, thay thế gia cố tà vẹt, ốc vít, vệ sinh cầu.
“Ngay cả việc sơn, chúng tôi cũng chỉ sơn lại những chỗ bị mối mọt, gầm và thành cầu. Việc sơn lại toàn bộ cầu đã hơn 18 năm chưa được thực hiện", vị Phó giám đốc cho hay.
Cũng theo ông Long, đơn vị quản lý đã cầu thường xuyên báo cáo lên các ban ngành về việc trụ, dầm và thành cầu nhiều chỗ mối mọt, có một vài điểm có nguy cơ sập vì giàn thép quá yếu.
Nhiều kết cấu thép trên cầu hư hỏng, han gỉ, có nhiều đoạn được chèn tạm bằng gỗ. Ảnh: Công ty Hà Hải.
Còn kỹ sư Đỗ Văn Định, cán bộ kỹ thuật Phòng Kỹ thuật an toàn giao thông, Công ty Đường sắt Hà Hải đánh giá, cơ bản chất thép của cầu Long Biên còn tốt, kết cấu chính của cầu vẫn ổn định nhưng do hệ quả của chiến tranh nên tim cầu bị lệch rất lớn. Nhiều vị trí, hệ thống dầm giàn bị võng, đầu nhịp nhô lên, giữa nhịp võng xuống khiến đường sắt võng theo.
"Tốc độ tối đa của tàu hỏa với cầu bình thường là 60-80 km/h, với cầu yếu là 50 km/h nhưng với cầu Long Biên tốc độ tàu hỏa đi qua không quá 25 km/h", kỹ sư Định cho hay.
Nhận định về độ an toàn của hai làn đường bộ của cầu Long Biên, kỹ sư Định cho biết, lớp bê tông mỏng được đặt trên dầm thép khá mỏng, nhiều điểm xuất hiện ổ gà, vết nứt. Những dầm thép này cũng có nhiều mối mọt nếu không đầu tư sửa chữa kịp thời sẽ khó lường trước rủi ro xảy ra.
"Nhiều phần thép dày 1 cm giờ chỉ còn 5 mm. Vì thế chúng tôi phải cắt cả gỗ để kê kích để tránh hiện tượng sập và tụt cục bộ trên đường bộ. Một vài điểm tại mố cầu, rầm mọt gỉ không còn nguyên vẹn chúng tôi phải gia cố tạm", kỹ sư này thông tin.
Theo ông Định, nếu có phương án sửa chữa cầu quy mô, cần đánh giá tổng thể lại cầu Long Biên để xử lý tận gốc những nguy cơ tiềm ẩn khó lường trên chiếc câu hơn 100 tuổi này.
Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1899-1902). Chiều dài toàn cầu 1.862 m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe máy, xe đạp và người đi bộ.
Trong các năm từ 1995 đến 2010, Bộ GTVT đã phê duyệt 2 dự án gia cố và sửa chữa cầu Long Biên với tổng mức đầu tư lên tới 114 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 4 năm khai thác, tới nay cầu Long Biên chưa được đầu tư gì thêm ngoài kinh phí bảo trì hàng năm.
Tổng Công ty đường sắt Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị chỉ định thầu cấp bách để triển khai gia cố, sửa chữa cầu Long Biên với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Giai đoạn một, cầu sẽ được gia cố để đảm bảo an toàn, phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2020. Giai đoạn hai, cầu được khôi phục, cải tạo làm đường bộ đô thị sau khi dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) hoàn thành.