Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phú Thọ: Xây đập làm... ngập đồng

(14:36:05 PM 12/01/2015)
(Tin Môi Trường) - Đồng Gắm, đồng Dày, gò Giềng (nằm trong khu vực hồ vực Ẩu) từ bao đời nay là nơi sản xuất nông nghiệp của hàng trăm người dân hai huyện Cẩm Khê và Yên Lập (Phú Thọ). Tuy nhiên, việc xây dựng công trình đập dâng lấy nước tại xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê đã khiến những cánh đồng này bị ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất, gây bức xúc trong nhân dân.

Phú Thọ: Xây đập làm... ngập đồng

Do ảnh hưởng của việc xây đập dâng, đến thời điểm này nước vẫn ứ trong đồng, người dân khu Minh Cát không làm được đất, không dám gieo mạ để chuẩn bị cấy lúa vụ chiêm xuân 2015.- Ảnh: báo Phú Thọ

 

*Ngăn đập, úng đồng

Gọi là rốn chứa nước từ các xã Minh Hòa, Ngọc Lập (huyện Yên Lập) dồn về, đồng Gắm, đồng Dày và gò Giềng là nơi canh tác của người dân các xã Chương Xá, Văn Khúc (Cẩm Khê) và xã Đồng Lạc (Yên Lập). Tuy năm nào cũng bị ngập cục bộ vào mùa mưa bão nhưng những cánh đồng này vẫn đảm bảo an ninh lương thực cho hàng trăm người dân nơi đây.


Cuối năm 2013, công trình xây dựng đập dâng lấy nước (thuộc công trình hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản tập trung tại khu vực đồng Láng Chương, huyện Cẩm Khê) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ làm chủ đầu tư chính thức khởi công với giá trị gần 3 tỷ đồng. Theo thiết kế, công trình đập dâng nước có kết cấu bê tông cốt thép với chiều dài phần chắn nước 39,5m, cống điều tiết qua đập kích thước 2mx2m. 2 tuyến đường ống cấp nước chính phục vụ tưới tiêu cho khoảng 70ha đất nông nghiệp trên tuyến ống chạy qua, rồi chảy vào đồng phục vụ nuôi thủy sản.

Bà Đỗ Thị Đào, Trưởng khu Minh Cát, xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập cho biết , đơn vị thi công đắp đê quai ngăn nước để xây đập dâng đã khiến nước ở các cánh đồng không thoát được. Nhiều diện tích lúa bị ngập úng. Toàn bộ diện tích ngô vụ mùa của địa phương cũng phải trồng lại do úng, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng. Khu Minh Cát có 50/80 hộ bị thiệt hại trực tiếp do xây dựng đập dâng.

Bà Lương Thị Bình, Khu Minh Cát bức xúc: Trước khi công trình đập dâng được thi công, vào mùa mưa lũ, diện tích nông nghiệp của gia đình cũng bị ảnh hưởng nhưng vẫn đảm bảo lương thực cho gia đình. Từ khi đơn vị đắp đê quai ngăn dòng, vụ Chiêm Xuân 2014, gia đình mất trắng 6 sào lúa. Vụ mùa cấy được 3 sào thì 1,9 sào ở đồng Dày mất trắng, 1,1 sào ở đồng Gắm cho thu hoạch ít; 4 sào ngô bị ngập, phải trồng lại.

Theo người dân xã Đồng Lạc, việc xây dựng đập tràn chỉ mở 2 cống, đặc biệt đáy cống cao hơn mặt nước chết hàng năm từ 60 - 70cm so với trước đây đã khiến người dân phải bỏ diện tích ruộng 0,735ha; trường hợp bà con cấy xong nhưng nếu trời mưa nhỏ có thể làm ngập tiếp 4,22ha. Cụ thể đợt mưa 2 ngày trong tháng 9/1014, 62 hộ dân xã Đồng Lạc đã bị thiệt hại hơn 6 ha lúa vụ mùa, ngô và rau màu tại xứ đồng Gắm, đồng Dày, gò Giềng. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của đập tràn đang thi công, không thoát được nước.

Trước sự việc trên, huyện Yên Lập đã đi kiểm tra thực tế và làm việc với các đơn vị liên quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, Chi cục Thuỷ sản, đơn vị tư vấn giám sát, Ủy ban nhân dân xã Đồng Lạc và các hộ dân bị ảnh hưởng. Trong biên bản làm việc giữa Uỷ ban nhân huyện Yên Lập và các đơn vị liên quan có ghi rõ: “Đơn vị thi công đang thi công hạng mục đập tràn của dự án nói trên, mực nước hiện đang dâng ở cao trình 18,5m và đây chính là cao trình đáy cống (mực nước chết) của công trình, nhưng đã ngập 3,124ha lúa của nhân dân 39 hộ dân khu Minh Cát ”. Theo biên bản này, hộ bị thiệt hại ít nhất là 240m2, nhiều nhất là 1.680m2. Do vậy, công trình bị dừng thi công để kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ thiết kế, xem xét hỗ trợ, đền bù thiệt hại các hộ dân khu Minh Cát.

*Sẽ đền bù và điều chỉnh thiết kế

Vào những ngày này, hơn 80 hộ dân có diện tích đất sản suất nông nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp do đập tràn gây ra đang “đứng ngồi không yên”, bởi theo khung lịch thời vụ Chiêm Xuân 2015 đã qua ngày gieo mạ mà nước vẫn còn trong đồng không thoát được.

Trước tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ đã đề xuất phương án điều chỉnh thiết kế xây dựng công trình, để khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng không ảnh hưởng đến sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Trưởng ban quản lý Dự án Thủy sản tỉnh thừa nhận: Khi thi công đập tràn và vai đập, phải đắp đê quai để thi công vì thế nước sẽ thoát ra chậm. Việc người dân cho rằng đáy của công trình cao hơn mực nước trên từ 60 – 70 cm là chưa chính xác bởi khi thiết kế, cơ quan này đã yêu cầu đơn vị thiết kế cốt phải bằng nguyên trạng, tính toán khi tích nước lên 1,5m để nước chảy vào đường ống sẽ không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân vùng vực Ẩu. Nếu đơn vị thi công chưa thực hiện đúng thiết kế hoặc không phù hợp với thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ban dự án sẽ điều chỉnh thiết kế hạ đáy cửa xả xuống, mở rộng từ 2 cánh cửa xả theo thiết kế ban đầu lên 4 cánh với chiều rộng 8m để tiêu thoát nước nhanh... Hiện, thiết kế đã được trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi tỉnh đồng ý, việc thông báo được thực hiện cụ thể cho các hộ dân, đảm bảo về lâu dài không ảnh hưởng đến sản xuất.

Ông Đinh Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc chia sẻ: Tuy đập dâng nằm trên địa phận xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê nhưng việc thi công công trình đã gây thiệt hại không nhỏ cho người dân xã Đồng Lạc. Người dân và UBND xã đề nghị các ngành liên quan sớm có giải pháp khắc phục, thực hiện hỗ trợ đền bù để người dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng, cho hay, sẽ thực hiện hỗ trợ thiên tai theo mức cao nhất, thiệt hại trên 70% mức hỗ trợ là 3 triệu đồng/ha...

Tạ Văn Toàn