Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ăn không lành
Ăn đứng đầu trong tứ khoái và cũng là vị thuốc giúp cơ thể khỏe mạnh, phát triển, phòng tránh bệnh tật. Song, ngày nay có rất nhiều cám dỗ khiến chúng ta ăn nhiều hơn nhu cầu.
Bác sĩ (BS) Đào Thị Yến Phi - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho biết: “Khi ăn quá nhiều, cơ quan nội tạng từ tim, phổi đến hệ tiêu hóa đều phải tăng tốc, các men tiêu hóa cũng phải được sản xuất nhiều hơn để tiêu thụ thức ăn. Vượt quá ngưỡng sẽ bị rối loạn tiêu hóa, rất khó kiểm soát”.
Kiểu ăn tự chọn, “bao bụng”, ăn nhiều ít gì cũng trả một số tiền như nhau khiến cho người ta ăn nhiều hơn vì sợ… lỗ. Cách ăn này cũng là một trong những sát thủ tàn phá dạ dày và cơ thể. Ăn nhiều trở thành thói quen sau này khó hãm, là tiền đề của thừa cân béo phì và hàng loạt bệnh mãn tính không lây.
Ngủ không đủ
Bên cạnh căng thẳng vì công việc khiến ăn không ngon ngủ không yên, còn có rất nhiều nguyên nhân gây mất ngủ. Các bạn trẻ thì bị “mê hoặc” bởi các trò chơi điện tử, người lớn thì “tán gẫu” cùng mạng xã hội… Những trò chơi này kích thích gây hưng phấn thần kinh nên giấc ngủ khó lòng tìm tới. Giấc ngủ còn “vắt giò lên cổ” chạy dài khi thân chủ uống các chất có caffeine quá nhiều như cà phê, trà… vào chiều tối.
Còn nữa, những người quá hăm hở với kế hoạch giảm cân nên sáng tập, tối tập, tập sát giờ ngủ, khi lên giường sẽ thấy mắt không muốn nhắm vì nội tiết tố serotonin đang hoạt động mạnh mẽ. Không ít người có ý thức giữ gìn giấc ngủ, chỉ cần quá giấc một chút là đã lo lắng. Sự lo lắng thái quá cũng làm thần kinh căng thẳng khiến giấc ngủ “bay xa”.
Không tập thể dục
Khi ra sân thể dục buổi sáng, các cụ già thường tập dưỡng sinh, khí công, yoga… gặp các anh chị trung niên tập aerobic, cầu lông, quần vợt… Nhưng thanh thiếu niên thì hiếm thấy, bởi các em bận đi học sớm. Trong trường, thể dục chỉ là môn phụ. Phần lớn, người ta tìm đến thể dục thể thao khi sức khỏe có… vấn đề, nhưng lúc này thì đã muộn, tim đã quen với nhịp đập “thoi thóp”, cơ thể đã “ù lì” hàng chục năm, các khớp đã không còn mềm dẻo…
Bên cạnh những người nói không với “vị thuốc” thể dục thể thao còn có những người “lạm dụng thuốc”. Hiện nay các phòng tập bán phiếu tháng hoặc phiếu năm để khách hàng có thể đến bất kỳ lúc nào thuận tiện, và tập nhiều môn với nhiều dụng cụ không kể thời gian. Chính vì vậy, không ít người tập cả buổi tại phòng tập. Tác dụng phụ của “thuốc” này gồm: đau nhức, mệt mỏi… Sau đó là hậu quả: tập một buổi nghỉ cả tuần, thậm chí tìm đến BS vì chấn thương.
Sống không vui
Có không ít người luôn đặt mục tiêu rất cao, sau mỗi lần đạt được lại đặt ra mục tiêu cao hơn khả năng, để rồi thấy không vui… Cũng có người được gia đình đặt quá nhiều kỳ vọng và cả bản thân cũng huyễn hoặc về mình. Áp lực nặng nề nên đến khi không đạt như ý thì buồn, nản, thấy cuộc đời chả có gì vui…
Trẻ em cũng đang bị đặt vào cuộc chạy đua bởi sự kỳ vọng của cha mẹ, bởi thành tích của thầy cô… khiến học sáng, học chiều rồi học cả tối. Các em chỉ thấy bị ép buộc học, không thấy gì vui.
Dùng “thuốc” mỗi ngày
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khi nói về cách tránh xa bệnh ung thư thường nhắc nhở: “Ai ơi thuốc quý trời cho/ Ăn lành, ngủ đủ, tập đều, sống vui”. Thực tế cho thấy, bốn vị thuốc quý này không chỉ buộc ung thư tránh xa mà còn không cho các bệnh tim mạch, xương khớp… viếng thăm.
Việc sử dụng “thuốc trời cho” là cả một nghệ thuật. Đầu tiên là nghệ thuật ăn vừa đủ no và dừng đúng lúc bằng cách định lượng những gì sẽ ăn và chọn các nguyên liệu thực phẩm tốt cho cơ thể như: rau, trái cây, các loại ngũ cốc, chọn các loại cá béo, hải sản…, hạn chế tối đa các món quá mặn. Tránh các món ăn chơi chứa nhiều chất béo và muối đường như: bắp rang bơ, khoai tây chiên… Trước khi chọn món, cần tự nhắc nhở mình câu “bệnh tòng khẩu nhập” (tức bệnh từ miệng vào).
Ngủ là liều thuốc vô cùng quý giá. Đã có không ít người cho rằng giấc ngủ chiếm hết gần nửa đời người, cho rằng ngủ là phí. Thực tế, giấc ngủ giúp tái tạo năng lượng để làm việc hiệu quả hơn. Ngủ cũng là lúc não bộ sắp xếp và giải quyết những mắc mứu lúc thức mà không giải quyết được. Không ít người có được đáp án sau một giấc ngủ ngon. Thiếu ngủ, mất ngủ, cơ thể sẽ héo hon, ăn không ngon, mau mệt mỏi, quyết định thiếu chính xác…
Bất kỳ ai từng tập thể dục đều có cảm nhận chung sau thời gian “hì hụi” là: cảm giác sảng khoái. Đó là nhờ sự xuất hiện các nội tiết tố serotonin, dopamin, endorphin giúp yêu đời, yêu người và nhìn sự việc theo hướng tích cực. Tập thể dục cần đổ mồ hôi. Những giọt nước “vắt” ra từ cơ thể này chính là sự thanh lọc cơ thể hữu hiệu nhất vì chúng thải cặn bã ra ngoài. Vị thuốc trời cho này chỉ có một, nhưng lại có nhiều công dụng chặn cửa không cho các căn bệnh viếng thăm như: tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, huyết áp cao, xương khớp...
Cái khó của vị thuốc này là dùng thường xuyên, kiên trì, theo BS Phạm Nguyễn Vinh - Bệnh viện Tim Tâm Đức TP.HCM thì tập thể dục một tiếng đồng hồ là đủ để bảo vệ sức khỏe. Trong quá trình tập cần lắng nghe cơ thể. BS Phan Vương Huy Đổng - Hội Y học thể thao TP.HCM hướng dẫn cách “nghe ngóng” như sau: “Trong quá trình tập, nếu cảm thấy đau, mệt mỏi trong khoảng hai lần tập thì ngừng ngay, nhất là người cao tuổi”. Đây là những báo động cơ thể đã quá tải, cần giảm cường độ luyện tập hoặc tìm đến BS để được tư vấn bài tập phù hợp.
Các cụ xưa tuy không thực hiện nghiên cứu, nhưng đúc kết rằng sống lạc quan sẽ khỏe mạnh qua câu: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Ngày nay, khoa học đã có nhiều nghiên cứu chứng minh, cười được xem như tập thể dục cho tim mạch, giúp tăng cường kháng thể. Cười còn giúp máu lưu thông đến các cơ quan và não bộ nhiều hơn, nhờ vậy khỏe hơn và nhớ dai hơn. Do đó, những nụ cười, lời khen ngợi, khuyến khích của cha mẹ dành cho con trẻ bao giờ cũng hiệu quả hơn là những lời đe nẹt, than thở, so sánh với con của láng giềng.
Cuối cùng là không khí bữa cơm gia đình. Phải làm lụng vất vả và chạy đua với thời gian mới có được bữa ăn nóng sốt bên nhau. Vì vậy, khi ăn cần kể chuyện vui, cần khích lệ từng thành viên. Nụ cười lúc này có giá trị bằng “cả rổ” vitamin.