Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chế tài xử lý vi phạm môi trường: Nhận diện bất cập và đề xuất giải pháp

(11:42:11 AM 09/01/2015)
(Tin Môi Trường) - Chế tài xử lý vi phạm môi trường đang tồn tại khoảng trống lớn trong cả chính sách lẫn thực thi, tạo ra sự bất bình đẳng giữa chủ đầu tư và cộng đồng dân cư, cũng như tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các dự án phát triển tuân thủ pháp luật và những dự án vi phạm.

 Chế tài xử lý vi phạm môi trường: Nhận diện bất cập và đề xuất giải pháp

Ảnh minh hoạ

 

* Nhận diện bất cập 

 

Theo nghiên cứu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, vi phạm môi trường có xu hướng tăng, trong khi đó xử phạt vi phạm hành chính lại đang ở tình trạng nửa vời. Việc giám sát thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa nghiêm dẫn đến nhiều trường hợp không thực hiện, hoặc chỉ đóng tiền phạt mà không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Việc xử lý vi phạm chưa đánh trúng vào nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm là lợi nhuận có được từ vi phạm. Bà Nguyễn Hoàng Phượng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên nêu ví dụ vụ việc vi phạm môi trường của Công ty Vedan, tổng số tiền Vedan phải chi trả để thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả gấp tới gần 3.000 lần so với số tiền mà Công ty bị xử phạt vi phạm hành chính. 

 

Các quy định về phí bảo vệ môi trường chưa hoàn thiện dẫn đến không có căn cứ để buộc các cơ sở sản xuất vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Bởi vậy, cơ quan chức năng mới thu phí bảo vệ môi trường từ nước thải, chất thải rắn và hoạt động khai thác khoáng sản chứ chưa thu về khí thải. Việc xác định mức độ ô nhiễm còn nhiều bất cập cả về phương pháp thực hiện lẫn trang thiết bị đo đạc, ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng của việc xử lý vi phạm. 

 

Cách tính về ô nhiễm khí thải chưa đầy đủ, chỉ mới tập trung vào nguồn khí thải phát ra từ ống khói nhà máy, còn những nguồn khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông, bay hơi dung môi hữu cơ từ hệ thống bồn chứa, xưởng sản xuất, kho chứa hàng… chưa được tính đến. Cách hiểu và áp dụng khác nhau về hành vi xả thải như trong hay ngoài phạm vi quản lý của cơ sở sản xuất dẫn đến việc xử phạt chưa hợp lý. 

 

Thực tế, giám định tư pháp trong lĩnh vực xử lý vi phạm môi trường vẫn là một nút thắt. Thông thường các cơ quan chức năng mới chỉ xử phạt vi phạm hành chính mà thiếu giám sát thực thi những biện pháp khắc phục. 

 

* Giải pháp cho xử lý môi trường 

 

Tiến sĩ Vũ Thị Duyên Thủy, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật môi trường, trong đó phải cụ thể hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật môi trường, về áp dụng trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự. 

 

Pháp luật về áp dụng trách nhiệm hành chính cần quy định rõ ranh giới xử lý vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật môi trường. Pháp luật cũng cần bổ sung quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trong trường hợp tổ chức, cá nhân tổ chức thực hiện hành vi vi phạm với thủ đoạn tinh vi, không thể phát hiện kịp thời. Một số quy chuẩn kỹ thuật môi trường còn thiếu cần được ban hành, làm căn cứ cho việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường, cũng như ổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ thực thi quyết định xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường. 

 

Như vậy, pháp luật về áp dụng trách nhiệm dân sự cần hoàn thiện các quy định về khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, bổ sung quy định về hỗ trợ giải quyết bồi thường thiệt hại, sửa đổi quy định về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại, quy định về hỗ trợ bồi thường thiệt hại về môi trường. 

 

Pháp luật về áp dụng trách nhiệm hình sự cần luật hóa khái niệm tội phạm môi trường làm căn cứ thống nhất cho việc xét xử, áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, định lượng hóa khung hình phạt đối với một số tội danh cụ thể, bổ sung thêm một số tội danh mới như tội phạm về vũ khí sinh học, tội gây tiếng ồn, độ rung vượt tiêu chuẩn cho phép, tội sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái… 

 

Tiến sĩ Thủy nhấn mạnh ngoài pháp luật thì việc nâng cao ý thức của doanh nghiệp, cơ quan quản lý, cộng đồng cũng rất quan trọng. Để áp dụng các quy định pháp luật vào thực thi xử lý vi phạm cần nâng cao chuyên môn cho đội ngũ cán bộ nhà nước cũng như doanh nghiệp. Ngoài ra, việc giám sát của cơ quan nhà nước, cộng đồng sẽ giúp phát hiện, xử lý vi phạm cũng như giám sát thực thi các biện pháp khắc phục hậu quả hiệu quả hơn.

 

Minh Nguyệt