Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Từ năm 2015, Việt Nam chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Ảnh minh họa: Wedbmb.
Thêm hy vọng cho các gia đình hiếm muộn
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Việc mang thai hộ là chính đáng với những cặp vợ chồng muốn có con nhưng không thể mang thai. Vấn đề mang thai hộ được ngành y tế ủng hộ. Thực tế cho thấy có những người mẹ không thể mang thai vì nhiều nguyên nhân nhưng vẫn có trứng và có nhu cầu sinh con; có những người có bệnh lý ở tử cung và không thể mang thai, kể cả đã được hỗ trợ sinh sản và cũng có người cứ mang thai là bị rối loạn đông máu...
Về kỹ thuật, mang thai hộ là hình thức nhờ bệnh viện lấy trứng của mẹ (hoặc của người hiến tặng trứng) và tinh trùng của người cha để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi cho một phụ nữ khác nhờ mang thai hộ. Những năm vừa qua, Việt Nam cấm mang thai hộ nên đã có người phải ra nước ngoài để thực hiện dịch vụ này. Trở về nước, họ gặp rất nhiều khó khăn khi làm giấy tờ, xác định hồ sơ nhân thân cho cháu bé.
Quốc hội đã thông qua Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi, chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo quy định, có 3 trường hợp được nhờ người mang thai hộ, đó là những người bị dị tật bẩm sinh không có tử cung, những người phải cắt tử cung vì tai biến sản khoa và những người mắc các bệnh lý nội khoa được chỉ định không nên mang thai.
Người mang thai hộ phải đủ các điều kiện: Là thân thích cùng họ hàng của người nhờ (vợ hoặc chồng), từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần, ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền. Trường hợp người mang thai hộ đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường và những dị tật của bào thai. Đồng thời vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Người nhờ mang thai phải có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.
Bên nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
3 cơ sở y tế được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Đến nay, dự thảo hướng dẫn thực hiện việc mang thai hộ theo Luật hôn nhân gia đình sửa đổi đã gần như được hoàn tất, các bộ ngành đều đã thống nhất với dự thảo của Bộ Y tế, dự kiến quy định có thể được đưa vào áp dụng từ năm 2015.
Khi Bộ Y tế xây dựng dự thảo, có hai quan điểm. Một quan điểm cho rằng cơ sở y tế nào thực hiện được kỹ thuật hỗ trợ sinh con bằng phương pháp khoa học thì được phép triển khai dịch vụ cho những người cần mang thai hộ. Quan điểm thứ hai là chỉ cho phép 2-3 cơ sở triển khai kỹ thuật. Kết luận cuối cùng là sẽ chỉ có 3 cơ sở y tế được phép hỗ trợ các gia đình cần nhờ người mang thai hộ là: Bệnh viện Phụ sản Trung ương ở miền Bắc, Bệnh viện Trung ương Huế ở miền Trung và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ ở miền Nam.
Việc có cho phép mang thai hộ hay không sẽ do hội đồng độc lập đánh giá, dựa trên các hồ sơ về tình trạng bệnh lý không thể mang thai tự nhiên của người nhờ, quan hệ họ hàng giữa người nhờ và người mang thai hộ, điều kiện sức khỏe của người mang thai hộ...
Đề cập đến những quy định của mang thai hộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho biết: Bộ Y tế quy định điều kiện chặt chẽ cho trường hợp mang thai hộ nhằm ngăn chặn các hính thức biến tướng, thương mại hóa, tránh tình trạng đẻ thuê, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội...