Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Người tiêu dùng vẫn chưa thật sự tin tưởng khi mua hàng trực tuyến
Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế mở và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đã làm thay đổi thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam. Ngay từ năm 2013 và trong năm 2014, thương mại điện tử tại Việt Nam đã phát triển mạnh với nhiều website điển hình như Alibaba.vn, Lazada.vn, Tiki.vn, Hotdeal.vn, Sendo.vn... Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử, với sự bùng nổ của dịch vụ Internet, kết nối 3G và các thiết bị di động như hiện nay, giao dịch thương mại điện tử Việt Nam có thể chạm ngưỡng 4 tỷ USD vào năm 2015.
Tuy nhiên, tiềm năng càng lớn thì rủi ro càng nhiều bởi đến nay, hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng trong thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển. Đại diện Big C cho biết, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi bán hàng online chính là lòng tin của khách hàng. “Hiện người tiêu dùng vẫn chưa thật sự tin tưởng mua hàng trực tuyến nên gần như phần đông không sẵn sàng cung cấp số thẻ tín dụng cho nhà cung cấp dịch vụ”. Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý, phương tiện thanh toán, vận chuyển, giao hàng, chi phí… của lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu.
Khảo sát về tình trạng lừa đảo thương mại điện tử tại Việt Nam cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tranh chấp là người bán không chuyển hàng hoặc hàng không đúng như mô tả. Thực tế, không ít trường hợp người mua nhận được hàng hóa không đúng với mô tả ban đầu về chất lượng, màu sắc và thậm chí sai lệch cả về hình ảnh trên website. Ở nhiều trường hợp, người dùng khá thận trọng khi tìm kiếm, xem hình ảnh sản phẩm trên website, rồi đến tận cửa hàng của người bán để mua, tránh việc bị lừa. Điều này đã làm mất đi tính thuần chất của thương mại điện tử, đó là việc mua bán chỉ thông qua giao dịch online.
Kết lại, sự thiếu chuyên nghiệp của những người tham gia thương mại điện tử không chỉ làm người tiêu dùng dần đánh mất lòng tin mà còn có thể ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Thực tế có nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng những kẽ hở của thế giới ảo, sự lan truyền chóng mặt của các diễn đàn, mạng xã hội để nói xấu, hạ bệ uy tín doanh nghiệp. Do đó, theo như ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng Thư ký hội truyền thông số Việt Nam từng chia sẻ: “Bản chất mô hình kinh doanh trực tuyến là sử dụng các website để làm trung gian, kết nối giữa người mua hàng và bán hàng cùng các dịch vụ hậu mãi. Vậy nên, người cung cấp sản phẩm phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng. Thêm nữa là phải làm thế nào để người mua hàng nhận được giá trị thực trong hình ảnh và chất lượng của sản phẩm đã đăng trên website.”