Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nội dung ấn phẩm của chiến dịch nâng cao nhận thức
Gần 2000 bộ Lịch và Áp-phích Cầy vằn đã được gởi đến Chi cục Kiểm lâm của 63 tỉnh thành và hơn 20 cơ quan công tác trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. Chiến dịch nhằm nêu bật tầm quan trọng của việc bảo tồn Cầy vằn và đảm bảo Cầy vằn bị tịch thu được chuyển đến các trung tâm cứu hộ vì mục đích bảo tồn. Đây là lần đầu tiên, chiến dịch nâng cao nhận thức bảo tồn loài Cầy vằn được thực hiện tại Việt Nam.
Đặc biệt, trong chiến dịch này, Cán bộ Trung tâm Save Vietnam’s Wildlife đã di chuyển hơn 5000 kilômet qua 8 tỉnh thành miền Trung và 19 tỉnh thành miền Bắc Việt Nam để thăm, làm việc và trao tận tay bộ lịch và áp phích bảo tồn Cầy vằn cho các Chi cục Kiểm lâm tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định ,Hà Nội và hai và Vườn Quốc gia: Phong Nha Kẻ Bàng và VQG Bạch Mã.
Tặng Lịch và áp-phích Cầy vằn cho Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
Tặng Lịch và áp-phích Cầy vằn cho Chi cục Kiểm lâm Hòa Bình
Tặng Lịch và áp-phích Cầy vằn cho Chi cục Kiểm lâm Yên Bái
Tại mỗi Chi cục Kiểm lâm và Vườn Quốc gia, cán bộ trung tâm đã chia sẻ với các cán bộ kiểm lâm về các mối đe dọa cũng như biện pháp bảo tồn Cầy vằn nói riêng, Thú ăn thịt và Tê tê nói chung. Những kiến thức và kỹ năng cần thiết để nhận dạng động vật hoang dã, cách xử lý và chăm sóc thú ăn thịt và tê tê sau tịch thu cũng được đưa ra thảo luận. Tờ rơi nhận dạng Tê tê cũng đã được trao tận tay các Chi cục Kiểm lâm.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã chia sẻ: “Trong vòng 12 năm qua, không có cá thể Cầy vằn nào được chuyển giao cho các trung tâm cứu hộ tại Việt Nam. Đa số Cầy vằn bị tịch thu được thả ngay vào rừng khi chưa thông qua kiểm dịch và giám sát hoặc bị bán thanh lý. Chúng tôi hi vọng chiến dịch này sẽ thu hút sự chú ý và hành động của các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng nói chung nhằm bảo tồn Cầy vằn và các loài động vật hoang dã.”
Cầy vằn (Chrotogale owstoni) là một trong những loài cầy quý hiếm nhất ở nước ta do nhiều nguyên nhân. Cầy vằn hoạt động chủ yếu trên mặt đất nên chúng dễ bị dính bẫy thút, một loại dụng cụ săn bắt Cầy vằn phổ biến. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng Cầy vằn so với các loài Cầy khác ngày càng tăng, bởi chúng có bộ lông da đẹp và tuyến xạ có thể sử dụng làm dược liệu. Theo Sách đỏ Thế giới và Sách đỏ Việt Nam, Cầy vằn đều thuộc danh mục loài nguy cấp cần được bảo vệ.
Đến nay, chỉ có 19 cá thể Cầy vằn sống trong môi trường nuôi nhốt và đều được quản lý bởi Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê do Trung tâm và Vườn quốc gia Cúc Phương hợp tác quản lý. Trung tâm đã thực hiện thành công chương trình Nhân giống Bảo tồn Cầy vằn với 66 cá thể Cầy vằn con được sinh ra từ 14 cá thể Cầy vằn được cứu hộ và phục hồi bản năng tại trung tâm.