Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Theo quy định của UBND tỉnh Hà Nam, lượng rác thải sinh hoạt ở vùng nông thôn được tính ở mức 0,1kg/người/ngày, ở thị trấn là 0,4kg/người/ngày. Mới chỉ hết tháng 10, khối lượng rác thải sinh hoạt ở huyện Duy Tiên được đưa về hai nhà máy xử lý trên địa bàn đã là hơn 4.800 tấn, trong khi chỉ tiêu kế hoạch là 3.463 tấn, vượt 144,25%. Kinh phí cho việc bốc xúc, vận chuyển và xử lý rác thải theo Quyết định của tỉnh phân bổ đối với huyện Duy Tiên năm 2014 là 2,6 tỷ đồng, huyện đã phân bổ cho các xã theo kế hoạch. Nhưng đến thời điểm này, các xã trong huyện vẫn còn nợ 2 doanh nghiệp xử lý rác thải trên địa bàn là 1,6 tỷ đồng. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp đã phải dừng việc bốc xúc, vận chuyển xử lý rác tại 6 xã.
Công ty Cổ phần môi trường Ba An là một trong 3 doanh nghiệp đang thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Hà Nam cho biết: Đến ngày 31/10/2014, các địa phương trong tỉnh còn nợ công ty hơn 8,5 tỷ đồng, trong đó riêng huyện Kim Bảng nợ 3,1 tỷ đồng. Vì vậy, từ ngày 1/11/2014, công ty buộc phải tạm dừng việc bốc xúc vận chuyển rác thải trên địa bàn toàn huyện Kim Bảng. Còn với Công ty môi trường Thanh Liêm, từ tháng 7/2014 đến nay, công ty cũng chưa nhận được tiền thanh toán từ các địa phương song với trách nhiệm là đơn vị đã ký hợp đồng bốc xúc, vận chuyển xử lý rác thải trên địa bàn, công ty vẫn duy trì việc chuyên chở rác về nơi xử lý. Ở hầu hết địa phương khác trong tỉnh Hà Nam, khối lượng rác vận chuyển về nơi xử lý cũng đều vượt rất nhiều so với chỉ tiêu được giao gây khó khăn trong công tác thu gom, chuyển rác về nơi xử lý. Trong khi đó, huyện và các xã chưa thể chủ động được nguồn kinh phí bù đắp nên buộc các xã phải bố trí chôn lấp rác theo quy trình tại địa phương.
Điều đáng quan tâm hơn là tại hầu hết các địa phương trong tỉnh Hà Nam, khối lượng rác thải phát sinh rất lớn, nhưng việc phân định rõ rác thải sinh hoạt với các loại rác thải khác thì lại chưa làm được dẫn đến khối lượng rác cần vận chuyển tăng cao. Hiện nay, ở các bể rác tập trung tuy chỉ tập kết rác thải sinh hoạt của các vùng nông thôn nhưng do thiếu sự quản lý cụ thể, rõ ràng nên tất cả các loại rác từ rác thải công nghiệp, rác thải xây dựng, rác của các cơ sở sản xuất kinh doanh đều được đổ chung về đây. Khi vận chuyển, các công ty môi trường vì vậy vẫn phải bốc xúc hết nên khối lượng tăng cao so với định mức ở các khu vực.
Trước thực trạng trên, nhiều địa phương đã có cách giải quyết hiệu quả. Điển hình, huyện Duy Tiên đã triển khai mô hình phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn và giám sát khối lượng rác thải đưa về nhà máy để xử lý. Hội Phụ nữ được giao thực hiện mô hình này. Hai xã đầu tiên tham gia làm điểm là Tiên Nội và Tiên Ngoại. Trong đó, Tiên Nội đã chi 170 triệu đồng để hỗ trợ các gia đình hội viên phụ nữ mua một thùng chứa rác đạt tiêu chuẩn. Tiên Ngoại hỗ trợ mỗi gia đình hội viên phụ nữ một xô, một làn đựng rác. Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Phụ nữ huyện tổ chức tập huấn cho phụ nữ các xã về phân loại rác thải ngay tại gia đình. Ban đầu chưa quen nhưng chỉ một tuần sau khi thực hiện, mọi việc đã đi vào nề nếp. Hàng ngày, những loại rác thải vô cơ được thu gom vào một thùng, rác hữu cơ vào một thùng, sau đó vận chuyển rác thải vô cơ đến bể trung chuyển, còn rác hữu cơ thì ủ men làm phân bón cho cây trồng.
Còn ở xã Tân Sơn (huyện Kim Bảng), bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường và tiến hành phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình, UBND xã đã trực tiếp thuê một lao động làm công việc phân loại rác tại bãi rác tập trung và có biện pháp xử lý phù hợp nhằm hạn chế khối lượng rác chuyển về nhà máy xử lý. Huyện Thanh Liêm cũng đang dự định sẽ cho thành lập hợp tác xã môi trường ở các xã ven sông Đáy…
Rác thải đang là vấn đề rất khó quản lý chung của nhiều địa phương. Các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương của tỉnh Hà Nam và cả các công ty xử lý rác thải đều khuyến cáo, tuyên truyền vận động nhân dân phân loại rác ngay tại đầu nguồn để vừa hạn chế khối lượng, vừa giảm chi phí vận chuyển, xử lý.