Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ
Khách mời trong chương trình là bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách Quốc hội khóa XI, Chủ tịch Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam và ông Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Tại chức, giảng viên chính bộ môn Thuế, Học viện Tài chính.
* Bất cập trong quản lý, giảm sát
Theo ông Đặng Văn Thanh, hiện nay vấn đề quản lý, giám sát phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai khoáng đang tồn tại nhiều bất cập. Luật Ngân sách đã quy định chi tiết về khoản kinh phí dành cho vấn đề bảo vệ môi trường nhưng hiện ở các địa phương đã có không ít khoản chi sai mục tiêu đề ra. Ông Đặng Văn Thanh cho rằng, trở ngại lớn nhất trong vấn đề tăng cường khả năng giám sát phí bảo vệ môi trường chính là nhận thức về bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như doanh nghiệp, cộng đồng đối với vấn đề này. Hiện kỷ cương , kỷ luật trong quản lý, giám ngân sách Nhà nước còn thiếu chặt chẽ trong khi đó, doanh nghiệp khai khoáng chỉ tính đến cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài về mặt môi trường.
Đánh giá về cơ chế giám sát, quản lý phí bảo vệ môi trường hiện nay, ông Lê Xuân Trường cho rằng, hoạt động này tại các địa phương trong thời gian qua khá tích cực nhưng không đồng đều dẫn đến tình trạng tại một số nơi, công tác giám sát chưa hiệu quả. Vấn đề quản lý ngân sách Nhà nước hiện đang theo hướng đầu vào, nghĩa là theo cơ chế phân bổ tới từng địa phương ban ngành nhưng thiếu sự giám sát những kết quả đạt được. Ông Trường đề nghị nên chuyển cơ chế quản lý ngân sách Nhà nước theo cơ chế quản lý, giám sát đầu ra.
Bà Bùi Thị An đồng tình với hai khách mời về việc cần tăng cường giám sát ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và cho rằng, cần phải có các quy định về khen thưởng và kỷ luật rõ ràng, chi tiết trong Luật Bảo vệ môi trường. Bà An cũng đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, ban, ngành, địa phương đối với vấn đề này.
* Có nên tăng ngân sách dành cho Quỹ?
Hiện nay nhiều địa phương kiến nghị ngân sách Nhà nước quy định dành cho Quỹ Bảo vệ môi trường hiện còn quá thấp (khoảng 1%) không đủ để chi phí bảo vệ môi trường. Trong khi một số ý kiến khác lại cho rằng môi trường ở nhiều nơi không được bảo vệ hiệu quả, do nguồn kinh phí bảo vệ môi trường hiện đang được sử dụng không hiệu quả, không đúng trọng tâm trọng điểm. Về vấn đề này, theo ông Lê Xuân Trường, mức phí 1% như vậy là không thấp. Nếu chúng ta tăng mức phí trên sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp làm ăn chân chính bị ảnh hưởng tới nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh lâu dài. Điều cần làm nhất hiện nay là tăng cường công tác quản lý giám sát, để nguồn kinh phí này được triển khai thực chất và có hiệu quả.
Đồng tình về mặt nguyên tắc với ông Lê Xuân Trường, nhưng bà Bùi Thị An đề xuất là Nhà nước cần tăng mức phí, sao cho tương xứng với những lợi ích và những tàn phá về môi trường của các doanh nghiệp, khi tình trạng doanh nghiệp khai khoáng tàn phá môi trường bất chấp hậu quả đang ngày càng tăng. Ông Đặng Văn Thanh đề nghị Nhà nước cần có những điều chỉnh về mặt cầu trúc đối với các khoản thu bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo tính hợp lý của các nguồn.
Bên cạnh đó, cả ba khách mời đều thống nhất ý kiến là việc bảo vệ môi trường không chỉ là vấn đề của Nhà nước, mà là của toàn dân, toàn xã hội. Bởi vậy việc giám sát, quản lý ngân sách trong lĩnh vực này phải có trách nhiệm của từng người dân. Cùng với đó, phí bảo vệ môi trường cũng cần được xã hội hóa, để những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh những sản phẩm tàn phá môi trường thực hiện trách nhiệm đóng góp cho xã hội./.