Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>>Ngỡ ngàng "thảm hoạ" Lệ Rơi trò chuyện trên VTV1
Nhân vật Lệ Rơi khiến công chúng ngỡ ngàng khi xuất hiện trong chương trình Cuộc sống thường ngày của kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam. (Ảnh do chương trình cung cấp)
Từ một người bị gắn biệt danh “thảm họa âm nhạc Lệ Rơi”, chàng thanh niên Nguyễn Đức Hậu (ở Hải Dương) vừa chễm chệ lên sóng VTV1 trong chương trình Cuộc sống thường ngày (phát sóng ngày 27-12) với vai trò khách mời phỏng vấn về nhân tố tích cực. Nguyễn Đức Hậu với “nghệ danh” tự đặt Lệ Rơi từng hát các ca khúc nổi tiếng làm thành clip rồi đăng lên YouTube, trang mạng xã hội Facebook khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”, gây nên cơn sốt truyền thông thời gian dài, được giới chuyên môn nhìn nhận là thảm họa lớn nhất của đời sống âm nhạc trong năm.
Khán giả xem đài thật sự choáng bởi những gì người ta tưởng chỉ là trò đùa cợt nhằm làm thỏa mãn sự tò mò của công chúng showbiz một thời gian, đã thành “thây ma” của truyền thông nay lại được VTV đào lên làm sống lại như một nét son của Cuộc sống thường ngày.
Người ta không hiểu Đài Truyền hình Việt Nam đang làm gì vậy? Không ít lời bình luận tệ hại đã dành cho những người có sáng kiến làm sống lại Lệ Rơi, làm công chúng thất vọng hoàn toàn khi đây là kênh truyền hình chính luận.
Phần lớn “thảm họa” showbiz Việt trong những năm gần đây, nhất là những “thảm họa” cấp độ cao, được tạo ra bởi một ê-kíp hỗ trợ, với ý đồ trục lợi, kể cả giới truyền thông. “Thảm họa” Lệ Rơi cũng không ngoại lệ. Báo Người Lao Động đã có loạt bài “Bàn tay đen” khuấy đục showbiz đăng các số ra ngày 9, 10, 11-7 phản ánh rõ điều đó.
Trong bài viết của mình, phóng viên đã chỉ ra rằng Lệ Rơi từ khi xuất hiện trên YouTube cho đến lúc trở thành nhân vật đình đám trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, nghiễm nhiên bước vào phòng thu âm chuyên nghiệp hát ghi âm 2 ca khúc về biển đảo Biển hát chiều nay và Nơi đảo xa giữa lúc người dân cả nước đang hướng về biển Đông, cho thấy đây là một “dự án” mà ai đó vạch ra với kịch bản đã lên sẵn cho Nguyễn Đức Hậu và ê-kíp của anh ta cứ thế thực hiện. Thậm chí, cái tên Lệ Rơi cũng là một từ khóa nhạy cảm mà không phải ai cũng có thể nghĩ ra.
Nhiều người lúc đầu vẫn nghĩ rằng Lệ Rơi ca hát là chuyện vô tư đùa giỡn của anh thanh niên nông dân nhưng trong mỗi clip đều có bóng dáng của những người khác với vai trò “đạo diễn”, ghi hình. Kỷ lục 150 clip của Lệ Rơi xuất hiện trên mạng trong khoảng thời gian ngắn khiến nhiều người phải suy nghĩ. Khi Lệ Rơi xuất hiện giao lưu trực tuyến trên một trang mạng của tờ báo lớn, có thương hiệu karaoke nhảy vào tài trợ rồi tổ chức đêm diễn ở quán bar và đưa vào phòng thu âm chuyên nghiệp thì giới chuyên môn và công chúng bắt đầu nghi ngờ về “bàn tay đen” đứng sau Nguyễn Đức Hậu, biến anh ta thành con rối.
Nhạc sĩ Trần Minh Phi đã lý giải hiện tượng Lệ Rơi trong bài viết “Thảm họa” Lệ Rơi: Đừng nhầm lẫn nghệ thuật và giải trí (Báo Người Lao Động ra ngày 6-7): “Đúng là anh ta đã tạo nên một hình tượng mới chưa từng có trong showbiz nhưng rất tiếc là không thiếu trong các quán karaoke, quán hát với nhau hay các bàn nhậu vỉa hè khắp cả nước của những tay bợm nhậu mê hát nhưng không biết nhạc hoặc không năng khiếu lại cộng thêm chất men rượu làm ríu lưỡi. Nhưng Lệ Rơi tạo được sức hút khủng khiếp bởi anh ta là người đầu tiên hát dở nhất - giai điệu và tầm bậy nhất - phát âm nhưng hồn nhiên dám khoe những cái đó ra một cách chất phác và vô tư. Có thể thấy ngay người ta nghe Lệ Rơi hát không phải để nghe hát và càng không phải để nhìn anh ta như nhìn “hot boy”, “hot girl” trong các MV (video ca nhạc) chuyên nghiệp. Đơn giản là họ nghe và xem để cười. Như vậy, kiểu ca hát của Lệ Rơi chỉ là một trò hề rất hợp gu thị hiếu giải trí thấp kém đang đầy rẫy hiện nay”.
Hơn ai hết, những người làm chương trình ở Đài Truyền hình Việt Nam phải nhận ra điều này để biết phải tôn vinh những gì thuộc về giá trị của nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ bày tỏ thất vọng khi những nỗ lực cống hiến cho nghệ thuật của họ không được trân trọng bằng cái gọi là thảm họa mà Lệ Rơi tạo ra. Đó là đạt “lượt tìm kiếm cao nhất” trên mạng và tinh thần “hát hay không bằng hay hát” như lời biên tập viên chương trình Cuộc sống thường ngày ca ngợi Lệ Rơi.
Nhiều người tỏ ra lo ngại thị hiếu thẩm mỹ của công chúng sẽ càng hạ thấp hơn khi trên kênh chính luận của đài truyền hình quốc gia như VTV lại cho phát sóng những chương trình thiếu tính định hướng thẩm mỹ và không có giá trị gì ngoài mục đích câu khách rẻ tiền.
Sau khi Nghị quyết Trung ương 9 ra đời, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm mục đích đưa nghị quyết này đi vào cuộc sống, vận động văn nghệ sĩ tận tâm tận hiến để tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị cao. Thế nhưng, mục đích tốt đẹp này sẽ khó thực hiện hiệu quả khi hoạt động truyền thông quá lệch lạc như vậy.
Giới trẻ sẽ nhận thức lệch lạc, suy nghĩ ảo tưởng khi vinh quang không được tạo ra bởi tài năng và sản phẩm lao động nghệ thuật mà bằng những thứ phù phiếm, không có chút giá trị gì.