Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tại hội nghị đánh giá kết quả thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước bảy hồ trên địa bàn Hà Nội, ngày 9/4, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết đánh giá này thể hiện qua các chỉ số quan trắc, đánh giá trực quan và ý kiến của cộng đồng dân cư trong quá trình xử lý.
Trong bảy hồ xử lý thí điểm gồm các hồ Quỳnh, Ngọc Khánh, Xã Đàn, Hai Bà Trưng, Hữu Tiệp, Kim Liên và Ao Đình Ngọc Hà, có bốn hồ hiệu quả thể hiện rõ hơn. Tuy nhiên, đánh giá giữa kỳ chưa "đủ chín" để khẳng định tính ưu việt của công nghệ sử dụng tại bốn hồ này. Với ba hồ còn lại sẽ tiếp tục tiến hành điều chỉnh công nghệ và chờ thời gian để đánh giá.
Theo ông Khanh, quan điểm của thành phố, không phải xử lý nước đến mức đạt được tiêu chuẩn A do điều kiện kinh phí có mức độ. Do đó, chỉ đặt ra tiêu chuẩn B về tiêu chí môi trường. Bên cạnh đó, đây là giai đoạn thử nghiệm nên thành phố đề nghị các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp tiếp tục tham gia trao đổi, thảo luận, quan sát để tạo ra công nghệ phù hợp có thể nhân rộng và có tính thuyết phục về hiệu quả cao hơn nữa.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng tính toán kỹ lượng nước thải đổ vào các hồ mỗi ngày để làm cơ sở tính ra giá thành để xử lý mỗi mét khối nước.
Về kế hoạch thực hiện xử lý ô nhiễm nước các hồ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch thành phố chỉ đạo duy trì kết quả xử lý, đặc biệt với bốn hồ đã phát huy hiệu quả tốt để tiếp tục hoàn thiện công nghệ, tiến tới nhân rộng.
Thành phố sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho tất cả các nhà đầu tư tham gia, đưa công nghệ vào thử nghiệm sau khi được Tổ công tác hội đồng khoa học xem xét, thẩm định lại về tính khả thi. Các đơn vị đã làm thí điểm đợt một, nếu tiếp tục có công nghệ mới, sẽ được ưu tiên làm tiếp.
Đề cập đến trách nhiệm trong bảo vệ môi trường hồ, thành phố khẳng định chủ sử dụng hồ phải có trách nhiệm đầu tiên và lâu dài. Với một số các hồ có hợp tác xã nuôi cá hiện nay, nếu chủ sử dụng không quản lý được để gây ra ô nhiễm, sẽ phạt đến mức không dám nuôi cá.
Các địa phương sau khi tiếp nhận quản lý cũng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và xử lý với người vi phạm về bảo vệ môi trường.
Thành phố sẽ xử lý kiên quyết đối với các đơn vị có lượng nước thải lớn nhưng không xử lý trước khi xả ra hồ.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, để thực hiện kế hoạch xử lý ô nhiễm nước hồ trong năm nay, Sở đã tiến hành khảo sát chất lượng nước và hiện trạng 24 hồ đã kè bờ trên địa bàn và cho thấy hầu hết các hồ đều có dấu hiệu ô nhiễm, một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép, nước có màu xanh, xanh đen và có mùi hôi.
Trên cơ sở phân loại mức độ cần thiết của mỗi hồ, Sở sẽ trình thành phố tiếp tục giao cho các đơn vị tiến hành xử lý chín hồ trong đợt sắp tới.