Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Người tiêu dùng hy vọng giá sữa sẽ giảm nhờ “cắt” được khâu quảng cáo sau khi Nghị định có hiệu lực vào ngày 1/3/2015.
Theo thống kê của Bộ Công thương, tại thị trường Việt Nam hiện có hơn 300 sản phẩm sữ các loại. Giá nguyên liệu sữa trên thế giới đang giảm, nhưng hiện giá tại Việt Nam vẫn được đánh giá là cao ngất ngưởng.
Bắt đầu từ 1/3/2015, Nghị định 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quảng cáo và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ chính thức có hiệu lực, người tiêu dùng hy vọng giá sữa sẽ xuống nhờ “cắt” được nhiều khâu trong việc đưa sữa ra thị trường, trong đó có quảng cáo.
Giá sữa ở Việt Nam cao gấp đôi, gấp ba so với các nước
Một nghiên cứu của Bộ Công Thương vừa chỉ ra, chi phí quảng cáo và tiếp thị, mức chiết khấu của hãng sữa luôn cao hơn 1,5-2 lần mức quy định và đều được tính vào giá thành sản phẩm. Do đó, thuế hay giá xăng, giá điện - chỉ là yếu tố rất nhỏ trong cấu thành giá sữa.
Một lý do khác được cho là nguyên nhân khiến giá sữa ở thị trường Việt Nam luôn ở mức cao là do sản lượng sữa trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu, hơn 70% còn lại là nhập khẩu. Thế nhưng, khi nguyên liệu nhập khẩu giảm thì giá sữa vẫn ở mức cao. Các doanh nghiệp thường viện do giá nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng, nhưng thực tế, có giai đoạn, các chi phí này trên thế giới giảm nhưng giá trong nước vẫn cứ tăng.
Điển hình là giai đoạn từ tháng 6/2011 đến tháng 9/2012. Giá bán lẻ sữa ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới: giá bán lẻ trung bình là 1,4 USD/lít, trong khi Trung Quốc là 1,1 USD, Ấn Độ: 0,5 USD, các nước Âu - Mỹ từ 0,5-0,9 USD/lít.
Hiện giá sữa ở Việt Nam cao gấp đôi Malaysia và gấp 1,5 lần so với Thái Lan. Bộ Công thương khẳng định: hiện giá các loại sữa ở Việt Nam vẫn ở mức cao so với thu nhập bình quân trên đầu người của người dân.
Đối với sữa nhập khẩu, theo TS Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế), có một thực tế là giá sữa nhập khẩu và phân phối chênh lệch nhiều do doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối đã chi nhiều vào quảng cáo, khuyến mại, hội thảo…
Siết lại quảng cáo sữa
Cuối tuần qua, tại hội nghị Phổ biến Nghị định số 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo, TS Nguyễn Huy Quang cho biết, từ ngày 1/3/2015, khi Nghị định này có hiệu lực sẽ cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức; sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai.
Đây là đầu tiên khâu quảng cáo sữa được siết chặt. GS.TS nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, khi cấm quảng cáo sản phẩm sữa dưới 24 tháng tuổi, sẽ có thêm một điểm lợi là giá sữa chắc chắn sẽ giảm do chi phí quảng cáo sản phẩm giảm. Các doanh nghiệp sẽ không tính chi phí này vào giá thành sản phẩm. Như vậy, người tiêu dùng sẽ được lợi nhiều hơn.
“Nghị định 100/2014/NĐ-CP đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng bảo vệ trẻ em, hạn chế tối đa tác động của quảng cáo, tiếp thị, thông tin, truyền thông có thể làm ảnh hưởng đến quyền được bú sữa mẹ của các em. Điều này đồng nghĩa với việc làm giảm giá sữa tại Việt Nam đang cao hơn so với nhiều nước trên thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi bao gồm 3 loại:
Loại thứ 1: là sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật với các thành phần thích hợp có thể sử dụng thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Loại sản phẩm thứ 2: là sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật để sử dụng trong các giai đoạn ăn bổ sung dùng cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi.
Loại thứ 3: là sản phẩm dinh dưỡng công thức khác có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật được trình bày hoặc giới thiệu là phù hợp dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, nhưng không được bao gồm thức ăn bổ sung trong cơ cấu dinh dưỡng cho trẻ trên 6 tháng tuổi.