Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
10 năm sau trận sóng thần ở Ấn Độ Dương, các nhà địa chấn học đã điểm lại những bài học, xem xét những tiến bộ đạt được cũng như đánh giá các trở ngại phía trước trong nỗ lực ngăn chặn một thảm họa tương tự.
Thành phố Port Blair ở Ấn Độ bị sóng thần tàn phá hôm 26-12-2004Ảnh: REUTERS
Một loạt đợt sóng thần được kích hoạt bởi trận động đất mạnh 9,1 độ Richter ngoài khơi đảo Sumatra - Indonesia hôm 26-12-2004 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người, đồng thời tàn phá bờ biển của 12 nước. Trước khi bi kịch ập đến, khu vực Ấn Độ Dương thiếu một hệ thống cảnh báo sóng thần được điều phối trong lúc nhận thức của người dân đối với mối đe dọa này còn thấp. Giờ đây, mọi chuyện đã được cải thiện nhờ sự đầu tư vào giáo dục, hạ tầng, hệ thống thông tin liên lạc và công nghệ cảnh báo sóng thần.
28 nước ven Ấn Độ Dương đã phát triển hệ thống cảnh báo trước sóng thần với kinh phí hơn 400 triệu USD. Hệ thống này gồm 101 thiết bị đo mực nước biển, 148 địa chấn kế và 9 phao. Nó có thể gửi báo động đến những trung tâm cảnh báo sóng thần của các quốc gia trong vòng 10 phút sau khi có động đất, theo hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, các chuyên gia và quan chức thừa nhận hiệu quả của hệ thống cảnh báo sóng thần Ấn Độ Dương vẫn chưa cao như mong đợi do ảnh hưởng của tệ quan liêu, địa lý, sự quản lý kém và tình trạng lãng phí. Tại Indonesia, nước có ít nhất 168.000 người tử vong vì sóng thần ở tỉnh Aceh, hoạt động của hệ thống cảnh báo và sơ tán bị cản trở bởi tình trạng đấu đá trong nội bộ. Ông Mochammad Riyadi, Giám đốc Trung tâm Động đất và Sóng thần thuộc Cơ quan Khí tượng và Địa vật chất Indonesia (BMKG), phàn nàn chính quyền tỉnh Aceh từ chối kiểm tra hệ thống còi báo động mỗi tháng bất chấp việc nó không hoạt động khi xảy ra trận động đất mạnh 8,6 độ Richter ngoài khơi hồi năm 2012. Ngoài ra, địa phương này còn từ chối nhận quyền kiểm soát hệ thống cảnh báo từ BMKG với lý do không có đủ nhân lực.
Một mối bận tâm khác là làm sao bảo đảm hàng triệu người sống tại những vùng ven biển kịp thời nhận được cảnh báo và sơ tán đến nơi an toàn mỗi khi có sóng thần. Tại Ấn Độ, nhà chức trách đã nỗ lực dùng mọi phương tiện có thể, như fax, tin nhắn và email để đưa cảnh báo đến người dân tại những nơi hẻo lánh nhưng không phải ai cũng nhận được. Một điều đáng lo hơn được ghi nhận trong các cuộc diễn tập ở Ấn Độ là nhiều người vẫn không biết phải làm gì và chạy đi đâu trong trường hợp sóng thần ập đến.