Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Năm 2013, triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 179/2013, trong đó quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải có tính răn đe, có chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm.
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị định này đã phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh những mặt tích cực như khung và mức phạt đã được chi tiết hóa, mức phạt tiền được tăng cao, đảm bảo sự công bằng trong quá trình xử lý… Nghị định cũng đã bộc lộ một số tồn tại cần được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là có sự thay đổi lớn các quy định, các hành vi vi phạm khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có hiệu lực thi hành.
Năm 2015, Tổng cục sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương triển khai thanh kiểm tra về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước, đồng thời phổ biến nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường, sẽ chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về những ưu điểm và tồn tại của Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và khắc phục những hạn chế, tồn tại, đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và Luật Bảo vệ môi trường như hoàn thiện thể chế của địa phương bằng cách rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương và địa phương ban hành có liên quan, từ đó đề xuất, kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi hoặc bổ sung cho phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành cũng như đảm bảo tính khả thi khi áp dụng trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức tuyên truyền đảm bảo phù hợp với các đối tượng, nhất là người dân tại khu vực nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của địa phương, nhất là cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cần quan tâm và thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tại các địa phương, đặc biệt là ở cấp xã; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó việc đảm bảo các điều kiện cho công tác thi hành pháp luật như kiện toàn bộ máy tổ chức, nhất là nâng cao chất lượng của bộ phận tham mưu, giúp việc, tăng cán bộ chuyên trách vững về chuyên môn; bố trí nguồn kinh phí, trang bị các thiết bị, phương tiện kỹ thuật đảm bảo phục vụ tốt cho công tác xử lý vi phạm hành chính.
Ngày 23/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 về cơ bản kế thừa và phát huy hiệu quả những ưu điểm của Luật Bảo vệ môi trường năm 2015, nhưng cũng có nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước, đồng thời khẳng định sự chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Việt Nam.