Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bức xúc về vấn nạn đóng giả ăn xin lợi dụng tình thương người đi đường ngày nay, độc giả Lap Nguyen chia sẻ: "Nói thật là chẳng ai không có lòng thương người cả. Nhưng thời buổi bây giờ lòng thương của con người bị đem ra làm trò đùa, rẻ rúng quá".
Bạn đọc này cho biết thêm: "Nhớ ngày ở quê (Hội Lim, Bắc Ninh), tôi chứng kiến tận mắt trường hợp người ăn xin rởm. Anh ta bò lê, bò lết dưới đường luôn mồm kêu xin: "Các cô, các chú, các bác thương cho con vài đồng bạc lẻ. Con bị tật bẩm sinh mất một cánh tay". Tôi thấy ai đi qua cũng cho anh ta vài nghìn đồng. Nhưng khi thấy công an đến anh ta vội đứng dậy, xé lớp áo che cánh tay giả mạo tàn tật ra, vơ cái mũ đựng tiền nhét vào ba lô rồi bỏ chạy như tên bắn trên đường. Ai thấy cũng lắc đầu ngao ngán".
"Ăn xin giờ khó tin lắm. Họ đủ chiêu trò để lừa gạt lòng thương người đi đường như giả dạng xe hết xăng, không tiền đi xe buýt, xe lủng bánh không có tiền vá... Ngày ngày đều bộ dạng đó, con người đó. Thậm chí, chúng còn làm giả người bại liệt đi bán vé số, chọn những lúc nắng nóng đỉnh điểm hay mưa to để bò lê lết dưới đường khóc lóc xin xỏ. Mục đích để người ta thấy tội nghiệp cho tiền là chính, còn bán vé số chỉ là cái 'mác' cho dễ xin thôi", độc giả King Nguyen kể.
"Chuyện giả nghèo khổ đi ăn xin ở TP HCM giờ quá phổ biến như ở dưới gầm cầu vượt ngã 3 Cát Lái (quận 2), chiều nào tôi cũng thấy một bà già ngồi bán tăm bông ngửa tay xin tiền, hay ở ngã 3 Trường Chinh - Cộng Hòa (quận Tân Bình) ngày nắng cũng như ngày mưa đều có hai bà già nhìn mặt lọ lem ngồi bệt ở đèn đỏ van xin. Hoặc mấy ngày gần đây ở trước cổng khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) xuất hiện một "khất sĩ dỏm" lúc nào cũng cầm bát đứng ngay ở ngã 3 đèn đỏ...", Facebooker Le Thang nói.
Một nhóm "diễn kịch ăn xin" ở Trịnh Châu (Trung Quốc) cũng bị lật tẩy chiêu trò với kịch bản "người thân bị bệnh nan y sắp chết", những người này thay nhau quỳ lại, khóc than, van xin tiền bố thí từ người đi đường.
Trước vấn nạn này, chính quyền TP HCM đã kêu gọi người dân không nên trực tiếp cho tiền người ăn xin, mà nên đóng góp thông qua các tổ chức đoàn thể, các tổ chức từ thiện xã hội. Phương án này của TP HCM ngay lập tức nhận được hàng trăm ý kiến ủng hộ của độc giả. "Một chính sách quá tốt, ủng hộ tuyệt đối, thành phố đã nói thì hãy làm thật quyết liệt nhé", độc giả Phuoc Vinh chia sẻ.
"Tôi luôn tự nhủ không cho một xu nào từ lâu rồi. Cho tiền giúp người ta thì ít, mà kích thích sự tham lam của mấy người độc ác, khiến họ thấy đây là "nghề" sinh lợi cao rồi đi chăn dắt, đánh đập hành hạ người khác... thì nhiều. Tôi nghĩ ngày nay người khốn khổ thực sự chắc chắn không có đất đi ăn xin trên địa bàn của mấy người chuyên chăn dắt đâu", độc giả Nam Gino nói.
"TP HCM muốn làm được điều này, trước tiên các cơ quan chức năng phải vào cuộc loại trừ các tổ chức chăn dắt người ăn xin lớn và nhỏ. Vấn đề này, tôi thấy vẫn tồn tại nhiều lắm", độc giả Vo Van Phi chia sẻ. "Đúng thế, còn nếu muốn để người ăn xin "hành nghề" thì cần phải có chứng chỉ ăn xin do thành phố duyệt và cấp. Ai ăn xin mà không có giấy phép thì truy gom hết", độc giả Thanh Mai nói.
Còn độc giả Minh Quân thì góp ý: "Cứ thưởng 300.000 đồng cho người báo tin, đảm bảo nhanh hết nạn ăn xin ngay. Trong giới ăn xin có tới 70% là giả nghèo khổ, què quặt để móc túi người hảo tâm. Thành phố cứ gom hết về trung tâm cho ăn cháo một tháng và lao động sản xuất. Tôi đảm bảo những kẻ lười biếng còn sức lao động nhưng lại đi ăn mày sẽ xin về và từ bỏ 'nghề' mãi mãi. Ngoài ra bọn ma cô Lý Thông sẽ hết đất để chăn dắt trẻ em và người già".
Bên cạnh đó rất nhiều ý kiến cho rằng, để dẹp bỏ được vấn nạn ăn xin chính quyền thành phố cũng phải tìm cách hỗ trợ, hồi hương, bố trí công ăn việc làm cho những người thực sự nghèo mà đang phải "hành nghề" vái lạy này.