Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hình minh họa vụ nổ của ngôi sao khổng lồ Eta Carinae. Ảnh: news.com.au
Mấy ngày qua cộng đồng mạng trên khắp thế giới bàn tán sôi nổi về việc Eta Carinae, một ngôi sao siêu lớn với khối lượng gấp 120 lần và kích thước gấp 240 lần so với mặt trời, sắp nổ. Nhiều người nhận định luồng hạt hạ nguyên tử khổng lồ mang điện tích từ vụ nổ khủng khiếp có khả năng tiến tới trái đất và xóa sổ toàn bộ sự sống ở đây. Lập luận của họ dựa vào một giả thuyết: Vụ nổ của một ngôi sao có kích thước lớn hơn mặt trời từ 100 lần trở lên có thể hủy diệt nền văn minh nhân loại. Vì thế họ gọi Eta Carinae là "ngôi sao tử thần". Dự đoán của họ lan truyền rất nhanh nhờ nỗ lực của những người bi quan, News đưa tin.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định tin đồn về ngày tận thế do ngôi sao Eta Carinae nổ tung sẽ không thể trở thành hiện thực.
"Vụ nổ không thể gây nên hiểm họa bởi Eta Carinae rất xa trái đất và bức xạ gamma cũng không hướng về chúng ta trong bất kỳ trường hợp nào", tiến sĩ Alan Duffy, một nhà thiên văn của Đại học Swinburne tại Australia, phát biểu.
Khoảng cách giữa Eta Carinae và trái đất lên tới 7.500 năm ánh sáng - đủ lớn để những luồng tia gamma từ vụ nổ không thể tác động mạnh tới hành tinh xanh.
"Theo kịch bản xấu nhất, một vụ tấn công trực tiếp của chùm tia gamma cực sáng từ vụ nổ của Eta Carinae có thể phá hủy hành tinh của chúng ta giống như chiến tranh toàn diện bằng bom nhiệt hạch, nhưng hậu quả sẽ không ghê gớm như bom nhiệt hạch", tạp chí Scientific American nêu rõ.
Scientific American còn nói thêm rằng, trong vòng vài giây từ khi tia gamma tiến tới bầu khí quyển trái đất, phần bán cầu hướng về phía vụ nổ sẽ hứng chịu bức xạ cực mạnh.
"Bầu trời sẽ sáng rực bởi luồng bức xạ có độ sáng cao hơn cả ánh sáng mặt trời. Nó đủ sáng để gây nên những vụ cháy rừng trên phần bán cầu hướng về vụ nổ. Sau đó tầng ozone sẽ biến mất và mưa axit có thể xuất hiện", tạp chí mô tả.
Nhưng nhiều nhà vật lý khẳng định Eta Carinae không có các điều kiện để tạo ra tia gamma trong vụ nổ. Ngay cả khi vụ nổ tạo ra tia gamma, sức hủy diệt của nó cũng giảm mạnh sau khi vượt qua quãng đường 7.500 năm ánh sáng.
"Bức xạ gamma từ một vụ nổ sao chỉ có thể gây nên thảm họa diệt vong nếu khoảng cách giữa ngôi sao và trái đất vào khoảng vài trăm năm ánh sáng, chứ không phải vài nghìn năm ánh sáng như trường hợp của Eta Carinae. Trường điện từ và khí quyển trái đất cũng sẽ làm giảm tác động của những hạt hạ nguyên tử mang điện tích từ vụ nổ", Alan giải thích.
Như vậy, thay vì gây thảm họa tận thế trên trái đất, vụ nổ của Eta Carinae sẽ tạo điều kiện để nhân loại chứng kiến một trong những sự kiện ánh sáng đáng nhớ nhất trong lịch sử.
Trên thực tế Eta Cariena đang tự hủy diệt chính nó. Phần khí ổn định nhất đã cháy hết, chỉ còn những lớp khí không ổn định di chuyển xung quanh lõi của ngôi sao. Chúng liên tục phát tán ra không gian xung quanh.
Thời gian tồn tại của ngôi sao sẽ phụ thuộc vào loại khí mà nó đốt. Nếu đó là khí heli, nó sẽ có thể "sống" thêm vài trăm nghìn năm nữa. Song nếu nó đang đốt khí oxy hoặc carbon, thời gian tối đa để nó tồn tại chỉ là 100 năm.
Stan Woosley - một nhà vật lý thiên văn của Đại học California tại Mỹ - thừa nhận rằng không ai biết những diễn biến đang xảy ra bên trong ngôi sao.
"Nó có thể chết trong ngày mai hoặc sau một khoảng thời gian dài nữa", ông nói.
Tia gamma là loại bức xạ gây nên những vụ nổ có độ sáng cao nhất trong vũ trụ.
Trong giai đoạn cuối của một ngôi sao, nhân của nó sụp đổ vào tâm do lực hút trọng trường của chính nó. Áp suất và mật độ vật chất trong nhân tăng dần cho tới khi bùng nổ. Nếu ngôi sao đang xoay, sự sụp đổ của nhân có thể khiến lớp khí bên ngoài nhân xoay nhanh hơn, giống như một người trượt ván thu đôi tay và ôm chặt cơ thể. Những khối khí xoay có thể tự nung nóng đến mức chúng biến thành plasma và di chuyển với tốc độ ánh sáng.
Ngay khi nhân ngôi sao khổng lồ bắt đầu biến thành hố đen, khối plasma xoay quanh nhân sẽ "dồn" từ trường thành một thứ giống như lốc xoáy ở hai cực của ngôi sao. Với tình trạng ấy, vụ nổ sẽ giải phóng các luồng bức xạ di chuyển nhanh như ánh sáng. Chúng xuyên qua lớp vật chất sát ngôi sao, biến thành những luồng bức xạ gamma.
Ngôi sao Eta Carinae trong một ảnh do kính thiên văn không gian Hubble chụp. Ảnh: ESA