Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Kho chứa nước mủ cao su của Nông trường Hàm Nghi. Ảnh: Dân trí
Chúng tôi tìm về thôn 13, xã Hà Linh vào những ngày đầu tháng 12. Thời điểm này, ở đây đang vào mùa mưa. Thứ chất thải đen ngòm, váng bóng, nổi bọt được xả ra từ kho chứa mủ của Nông trường Hàm Nghi của Công ty cao su Hà Tĩnh cũng bị nước mưa cuốn trôi đi phần nào. Tuy nhiên, theo lời kể của người dân và qua quan sát của phóng viên, dù thực trạng hiện tại có vơi bớt đi nhưng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc vẫn không hề thuyên giảm, ngày ngày hành hạ, khiến họ khổ sở, điêu đứng.
Bà N.T.H. trú tại thôn 13 cho biết: “Đã nhiều năm nay, người dân sống ở thôn này đều mất ăn mất ngủ vì mùi hôi thối từ chỗ xả thải bốc lên. gia đình tôi trước ở ngay sát nhà máy, do không thể chịu đựng nổi tiếng ồn lẫn các chất độc hại nên đành phải di cư sang vị trí khác xa hơn một chút, nhưng rồi cũng chẳng ăn thua. Mùa mưa còn đỡ chứ vào mùa nắng, gió thổi mạnh, mùi hôi thối bốc lên không thể nào chịu nổi”.
Những năm trước, nhà máy này thường xuyên xả thải trực tiếp ra suối Ba Khe gây ô nhiễm cho nguồn nước. Địa điểm đổ nước thải được các đối tượng xác định là gần bờ khe suối. Họ lợi dụng những cơn mưa, qua ngày sau lượng nước thải đó sẽ được mưa đẩy trôi xuống khe suối rồi chảy ra sông Ngàn Sâu. Không những thế, họ còn “lươn lẹo” đến mức tranh thủ đêm tối, không ai để ý đã sai người của nhà máy cho xe chở nước thải đổ thẳng xuống suối. Sau một vài lần đột nhập vào nhà máy, người dân còn nghi ngờ rằng, những thùng chứa mà nhà máy này xây dựng có khả năng đều là những thùng chứa không đáy.
Trước sự phản ứng gay gắt của dân chúng, cách đây 2 tháng, các chuyên gia môi trường đã có mặt tại khu vực xử lý nước thải và kiểm tra các vùng phụ cận của nhà máy. Kết quả xét nghiệm mẫu phẩm nguồn nước từ thượng nguồn suối Ba Khe và một số ao, giếng của các hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ nguồn nước thải này cho thấy, hầu như các giếng nước của các hộ dân bị nhiễm độc nghiêm trọng.
Chị Thái Thị Tiến, trú tại thôn 13 phản ánh: “Trước khi bên môi trường đến làm việc, chúng tôi vẫn thường xuyên dùng nước giếng của nhà. Không biết có phải do nước hay không mà chồng tôi bỗng nhiên phát bệnh ung thư tuyến nước bọt, chạy chữa thuốc thang mấy năm trời mà vẫn không đỡ. Nhà nghèo, không có tiền để xây nhà mới nên chỉ biết cầm cự ở đây cho qua ngày đoạn tháng thôi”.
Được biết, xã Hà Linh từ 5 năm trở lại nay, người dân trong làng đa số đều mắc bệnh ung thư mà chết, như ung thư phổi, ung thư gan. Trâu, bò thường xuyên phát dịch lở mồm long móng. Cây cối chết dần chết mòn, héo úa vì thiếu sức sống.
"Hiện tại, chỉ có duy nhất một cái giếng cách xa nhà dân khoảng 500m được bên môi trường kiểm nghiệm là đảm bảo an toàn nên cả làng dùng chung. Mỗi lần chở nước đi đi về về rất bất tiện. Nhiều khi mất nước, chúng tôi chỉ còn cách dùng nước nhà để rửa ráy, giặt giũ chứ không dám ăn uống vì sợ chết", một người dân thôn 3 bức xúc nói.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch xã Hà Linh Nguyễn Đình Xô cho biết: “Nhận được phản ánh của người dân, xã đã gửi công văn tới Nhà máy cao su Hà Tĩnh và yêu cầu họ xử lý chất thải tại khu vực xả thải, tránh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân nhưng nhà máy vẫn chưa thực hiện triệt để, chỉ xử lý theo kiểu đối phó. Từ năm 2014, sản lượng mủ cao su thấp, nhà máy hạn chế sản xuất, công nhân nghỉ làm nhưng tình trạng xả thải vẫn diễn ra. Đã 2 lần cảnh sát môi trường tới làm việc nhưng đâu lại vào đó. Hiện tại, chúng tôi tiếp tục gửi công văn lên huyện báo cáo tình hình, mong sớm khắc phục được tình trạng trên”.
Thiết nghĩ, trước việc Nhà máy chế biến cao su Hà Tĩnh ngang nhiên xả chất thải ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh hơn nữa để khắc phục triệt để, giúp người dân sớm thoát khỏi tình trạng này.