Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ông Phạm Văn Tân - cá nhân hoạt động môi trường tiêu biểu phát hiểu tại hội thảo
Mạng lưới sông ngòi và kênh rạch dày đặc đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trên địa bàn thành phố, như thoát nước mưa, cấp nước ngọt cho nông nghiệp, công nghiệp, phát triển giao thông thủy… Tuy nhiên, hiện nay tình trạng lấn chiếm và vứt rác bừa bãi, xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý xuống lòng kênh rạch rất nhiều, làm cho lòng kênh bị co hẹp, cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thậm chí bị khai tử và là nơi phát sinh hàng loạt dịch bệnh, gây nguy hại cho đời sống, sức khỏe của người dân.
Đáng nói hơn, thực trạng trên xuất phát từ những bất cập trong công tác quản lý kênh rạch hiện nay. Cụ thể, trên toàn địa bàn thành phố có tổng thể 3.268 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài là hơn 5.000 km, nhưng có đến 4 đơn vị cùng đang quản lý các tuyến kênh này. Bao gồm: Khu quản lý thủy nội địa quản lý 112 tuyến, dài khoảng 975 km; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý 2.247 tuyến, dài khoảng gần 3.000km; Trung tâm chống ngập quản lý 680 tuyến, dài khoảng 845km; còn lại UBND quận huyện quản lý 229 tuyến, dài khoảng 331km. Bất cập hơn, 4 đơn vị trên chỉ quản lý khai thác, sử dụng và cấp phép xả thải ra sông, kênh rạch, còn chất lượng nguồn thải không đảm bảo yêu cầu thì lại do Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm. Điều này dẫn đến thực tế là Sở Tài nguyên và Môi trường không nắm rõ đối tượng xả thải vào nguồn nước, nên không thể lên kế hoạch thanh kiểm tra định kỳ. Hơn nữa, việc vi phạm xả thải của người dân xuống hệ thống kênh rạch hiện nay rất phổ biến, dù Luật bảo vệ môi trường cũng đã có quy định xử phạt nhưng chưa thể thực hiện được vì Luật không xác định rõ lực lượng có chức năng thanh kiểm tra và xử phạt… Bên cạnh đó, đã từ lâu, không còn kinh phí để thực hiện công tác vớt rác kênh rạch, ngoại trừ một số đoạn của kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và Nhiêu Lộc Thị - Nghè. Điều này đã khiến cho lượng rác trên hệ thống kênh rạch ngày càng dày đặc.
Đứng trước sự suy giảm nghiêm trọng của chất lượng nguồn nước tuyến sông, kênh rạch, buổi hội thảo đặt vấn đề xoay quanh việc phân tích nguyên nhân gây ô nhiễm; những ảnh hưởng của chất thải ô nhiễm từ hệ thống sông, kênh, rạch đến chất lượng nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt; nêu lên những khó khăn trong việc quản lý và cải thiện chất lượng nguồn nước. Từ đó ghi nhận ý kiến đóng góp từ các cấp quản lý, các chuyên gia khoa học để tìm ra những giải pháp cấp bách cho việc cải thiện chất lượng nguồn nước tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM.