Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cây tỷ phú nhưng... yếu ớt
Tôi đang hình dung ra cuộc thi “Ai là triệu phú” có những câu hỏi về cây thanh long, một cây trồng có nguồn gốc từ Nam Mỹ xa xôi nhưng lại bám rễ ở vùng đất phương Nam và đưa hàng vạn hộ nông dân thành tỷ phú.
Trồng thanh long sau Long An, nhưng Bình Thuận nhanh chóng trở thành thủ phủ của cây này với 24.000 ha, gấp 1.000 lần so với cách đây 20 năm. Năm 1990, anh Trần Ngọc Hiệp bán chiếc xe máy Honda 67 mua được 3 ha đất tại Hàm Thuận Nam đã trồng thử và điều bất ngờ đã đến, đất đai tại Bình Thuận còn hợp thanh long hơn so với Long An, nơi anh lấy giống. Rồi từ 3 ha đấy anh phát triển lên 30, 70, 100, 300 ha.
Anh Hiệp chạy xe ôm ngày nào đã thành ông chủ thương hiệu trứ danh Thanh long Hoàng hậu. Trước đây, anh Hiệp phải chở thanh long từng cần xé bằng xe máy ra quốc lộ 1, gửi xe đò về Sài Gòn, nay đội xe đông lạnh chuyên chở thanh long của anh đã có mấy chục chiếc.
Trước đây anh chỉ biết mỗi chợ Cầu Muối thì nay anh “rành chợ tây hơn chợ ta”, nào chợ Trung Quốc, chợ Đài Loan, Nhật Bản, chợ Úc, chợ châu Âu, chợ Mỹ. Trước đây anh phải xuống Long An xin giống, thì nay anh đã mua được bản quyền giống thanh long ruột tím hồng, công trình lai tạo giống của Viện Cây ăn quả miền Nam với giá 2 tỷ đồng.
Thanh long đã kích thích khát vọng làm giàu của nhiều người mà trang trại đạt tiêu chuẩn Euro GAP Duy Lan là một trong hàng nghìn trường hợp. Xuất thân từ nghề hàng xáo, năm 2003, ông Thái Đức Duy gom mua được 10 ha đất chân núi tại thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) lập trang trại thanh long.
Cây thanh long mang lại giá trị kinh tế cao.
Điều đặc biệt ở trang trại này là có rất nhiều khách hàng của Úc và châu Âu ghé thăm, thậm chí trong hàng chục công nhân của ông Duy có cả viên kỹ sư điện người Úc chính hiệu có tên thường gọi là Jắc. Jắc cho biết, sau khi nghỉ hưu ông đã lập tức bay sang làm công không lương cho ông Duy, với mục đích học hỏi kinh nghiệm để mở trang trại tại Úc.
Viên kỹ sư này cho biết thêm, đất ở Úc thì mênh mông, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu và ông cũng chỉ cần 10 ha thanh long như ông Duy thì chỉ 5 năm, ông đã có thể xây biệt thự ven biển, ước mơ cháy bỏng nhưng ông không thể thực hiện được với mức lương kỹ sư. Năm 2008, 1 trong 2 container đầu tiên vào thị trường Mỹ được ông Trầm Bê mua từ trang trại Duy Lan với giá 3,2 USD/kg.
Thanh long không những biến vùng đất bạc màu Bình Thuận thành trù phú, mà ngay cả những cây trồng khác trên chân ruộng phù sa ở Châu Thành (Long An), Chợ Gạo (Tiền Giang) cũng phải nhường chỗ cho thanh long chỉ vì một lý lẽ đơn giản, lợi nhuận thanh long lúc mạt nhất cũng gấp 6 lần cây trồng khác. Diện tích thanh long luôn tăng trưởng nóng, vượt xa quy hoạch của Nhà nước.
Ở Bình Thuận, thanh long vượt chỉ giới ra Bắc Bình, lên Đức Linh, Tánh Linh. Ở Tiền Giang, thanh long vượt chỉ giới đất ngọt lên vùng đất phèn Tân Phước thuộc Đồng Tháp Mười. Ở Long An cũng vậy. Theo tính toán, diện tích thanh long đến năm 2015 ở 3 tỉnh trọng điểm này sẽ ổn định ở mức 25.000 ha nhưng mới năm 2014 này, diện tích đã vọt lên 35.000 ha và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Mọi người cứ lầm tưởng, diện tích thanh long sẽ tự động stop ngay khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở biển Đông, và giá thanh long bỗng sụt từ 20.000 đồng/kg xuống còn 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên khi tình hình lắng dịu thì giá thanh long lại bật lại ngay. Anh Trương Văn Ngoan, một đầu mối mua gom thanh long ở Long An nhẩm tính, giá bình quân thanh long ruột trắng năm 2014 ở mức 21.000 đ/kg, cao hơn một ít so với năm 2013.
Nhà báo Thanh Nguyên, phóng viên mảng nông nghiệp của Đài truyền hình Long An cho biết, giá thanh long ruột đỏ mà anh bán được trong năm 2014 thấp nhất là 37.000 đồng/kg, cao nhất là 67.000 đồng/kg, bình quân 50.000 đồng/kg.
Nguyên cho biết, để trái đồng đều, mỗi cành chỉ lấy một trái, mỗi trụ chỉ để 25 trái/vụ có trọng lượng khoảng 9-10 kg. Mỗi ha có 1.200 trụ, cho sản lượng 32-35 tấn/năm. Trong lúc giá thành kể cả thuê mướn lao động chỉ 6.000-7.000 đồng/kg, lợi nhuận không có cây trồng nào sánh kịp. Với 2.000 trụ thanh long ruột đỏ, thu nhập từ vườn thanh long của Nguyên còn cao hơn quỹ lương của cả phòng truyền hình.
Làm sao trồng thanh long bền vững
Thanh long hiện nay được coi là cây nhiễm nhiều sâu bệnh nhất. Những năm thập kỷ 90, khi mới trồng ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), nhờ lượng mưa khá mà tiểu khí hậu lại khô, nên người trồng thanh long hầu như không cần đến thuốc BVTV, còn hiện nay thì thanh long bị nhiễm rất nhiều bệnh mà bệnh nào cũng nặng, cũng nan y như bệnh thán thư, thối nhũn, đốm nâu… Chỉ riêng bệnh đốm nâu, trong vòng 4 năm từ năm 2011-2014, bệnh đã lan rộng ra 18.000 ha, chiếm 50% diện tích cây này của cả nước, làm thất thu khoảng 30% sản lượng.
Người trồng thanh long cho biết, trong thời gian làm trái thì cứ 1 tuần phải phun thuốc 1 lần, còn lại 2 tuần phun 1 lần. Tối thiểu mỗi năm làm 3 vụ trái, mỗi vụ 2 tháng như vậy tối thiểu có đến 36 lần phun/năm. Chưa hết, vì cùng một lúc bị nhiều bệnh nên phải hỗn hợp nhiều loại thuốc với nhau mà hiệu quả phòng trừ cũng chỉ đạt trên dưới 60%, rất thấp so với cây trồng khác.
Tại sao cây thanh long thuộc họ xương rồng, sống được ở sa mạc, vốn dĩ có sức sống rất cao lại trở chứng yếu ớt như vậy? Câu trả lời là do con người. Nông dân Trần Minh Tiến xã Long Trì, huyện Châu Thành, Long An vụ vừa rồi đã tiến hành một thực nghiệm thú vị, giữa 1.200 trụ thanh long vườn nhà anh chỉ để lại duy nhất 1 trụ không phun thuốc, đến ngày thu hoạch thì tất cả các trụ đều có tỷ lệ trái bị bệnh chỉ từ 7-8%, còn trụ không phun thì 100% trái đều bị nấm bệnh. Điều đó chứng tỏ mầm bệnh trong vườn thanh long đã trở nên đậm đặc.
Không những được trồng ở quy mô rất tập trung trên diện tích lớn, mà thanh long còn bị khai thác quá mức. Bình thường, thanh long chỉ cho trái 2-3 đợt trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 10, nhưng bằng cách chong đèn, con người đã ép thanh long ra trái thêm 2-3 vụ nữa.
Để cây có sức cho trái quanh năm, người ta bằng mọi cách ép cây ăn, ăn bằng đường rễ, ăn bằng đường lá, ăn bằng đường thở, chưa đủ còn phải dùng thêm kích thích sinh trưởng GA3.
Ăn nhiều, cây nào cũng sum suê, non tơ, ngon ngọt, lại thêm cành lá lúc nào cũng phú dưỡng do phun xịt nhiều phân bón lá, nên không những nấm bệnh, virus, vi khuẩn mà cả ốc, sên, sâu, kiến… đều thích.
Không thể trách nông dân đã thâm canh quá độ, bởi họ chỉ là những người biết tuân lệnh thượng đế. 90% thượng đế của thanh long là Trung Quốc, thị trường thờ cúng là chính, ăn là phụ, bởi vậy trái càng to, đuôi càng xanh, tai càng cứng thì giá càng cao.
Theo nguyên lý, càng bị stress thì sức đề kháng của cây càng giảm. Hiện tượng lây lan nhanh của bệnh đốm nâu do nấm Neoscytalidium dimidiatum là một ví dụ. Bình thường nấm này vẫn tồn tại trên nhiều loại cây ăn trái, ngay cả cây rừng nhưng không gây hại nặng, không thành dịch.
Năm 2008, các nhà khoa học Úc đã khuyến cáo người trồng xoài ở miền tây Úc cần giảm stress cho cây, để hạn chế nấm bệnh này (hạn chế ép ra trái sớm).
Để tránh một gãy đổ sinh thái mà nguy cơ đã rõ ràng, tháng 8/2014, Bộ NN-PTNT đã lập Ban chỉ đạo trồng thanh long bền vững, lập tổ đặc nhiệm phòng chống dịch bệnh đốm nâu, và đầu tháng 12 vừa qua Cục BVTV đã phát động tuần tổng vệ sinh vườn thanh long ở 3 tỉnh trọng điểm là Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Đây là việc làm cần thiết trước mắt nhưng chưa đủ để thanh long tồn tại bền vững, mà còn phải kết hợp nhiều biện pháp tổng hợp từ hành chính đến kinh tế, xã hội.
Ý kiến gợi ý của một số nông dân trồng thanh long sau đây đáng kể cho các cơ quan quản lý nhà nước lưu tâm: Cần giảm bớt số vụ chong đèn bằng cách điều tiết trên lưới điện quốc gia.