Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ IE
Các đại biểu đã được nghe trình bày các báo cáo về thực trạng và giải pháp tái canh cà phê thời gian tới; kết quả thực hiện dự án sản xuất cà phê bền vững được chứng nhận tại Tây Nguyên giai đoạn 2012-2014; tình hình thực hiện tái canh cà phê của các tỉnh trong vùng; chương trình sản xuất cà phê bền vững; sản xuất cà phê có chúng nhận theo bộ nguyên tắc 4C, TUZ Certified; sử dụng chế phẩm sinh học…
Theo báo cáo của Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong tổng số 635.000ha cà phê của cả nước có khoảng 86.000ha trên 20 năm tuổi; 140.000ha từ 15-20 năm tuổi. Tổng diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5-10 năm tới khoảng 140.000 - 160.000ha. Từ nay đến năm 2020, nhu cầu tái canh cà phê của các tỉnh Tây Nguyên (gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum) và Bình Phước lên đến khoảng 200.000ha. Hiện nay, tại Tây Nguyên chỉ có tỉnh Lâm Đồng là thực hiện khá hiệu quả chương trình tái canh và sản xuất cà phê bền vững với 25.800ha. Các tỉnh còn lại việc tái canh vẫn diễn ra chậm và kết quả không được như mong muốn.
Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia cho biết: Việc tái canh cây cà phê không đơn giản, nếu không có biện pháp tái canh bền vững, chúng ta sẽ không đảm bảo giữ vững sản lượng cà phê xuất khẩu trong những năm tới. Đã có nhiều hội thảo khoa học được tổ chức nhằm giải quyết bài toán trồng tái canh cây cà phê với mục tiêu vừa bảo đảm được hiệu quả tái canh, vừa tránh giảm sút đột biến về sản lượng cà phê tại thời điểm đó. Hiện nay, Cục Trồng trọt đã ban hành quy trình về tái canh cây cà phê. Tuy nhiên, để quy trình này đi vào thực tế, rất cần tổ chức các diễn đàn về tái canh cây cà phê để người nông dân tiếp cận và áp dụng vào thực tế sản xuất có hiệu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk và là người gắn bó nhiều năm với cây cà phê cho rằng, việc tái canh và phát triển cà phê bền vững luôn gắn liền với nhau. Bởi có thực hiện việc tái canh có hiệu quả thì mới phát triển ngành cà phê bền vững. Theo ông Lạng, muốn phát triển cà phê bền vững cần phải tăng giá trị của hạt cà phê từ chọn giồng, trồng, chăm sóc đến việc giảm tổn thất sau thu hoạch và chế biến sâu.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tái canh và phát triển cà phê bền vững vùng Tây Nguyên trong thời gian tới Theo đó, các tỉnh phải thực hiện rà soát và xây dựng kế hoạch tái canh cà phê; thành lập cơ quan thường trực chỉ đạo tái canh cà phê từ cấp tỉnh đến cấp xã để chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác tái canh; tiếp tục khảo sát, thu thập, xây dựng cơ sở thông tin phục vụ tái canh và ghép cải tạo; tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân bằng cách tham quan các mô hình, biên soạn tài liệu, hội thảo đầu bờ…
Ngoài ra, nhóm giải pháp về nguồn giống cà phê cũng vô cùng quan trọng đối với hiệu quả của việc tái canh và phát triển cà phê bền vững. Các tỉnh cùng với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cần điều tra, đánh giá và dự kiến cơ cấu giống cà phê cho tái canh. Mỗi tỉnh xác định từ 2-3 giống cà phê chủ lực để đầu tư xây dựng vườn dòng phục vụ sản xuất và kinh doanh giống tái canh. Để tái canh có hiệu quả thì các tỉnh cũng phải đảm bảo nguồn vốn và tạo điều kiện cho bà con nông dân được tiếp cận với nguồn vốn vay dễ dàng.