Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ông Hoàng Văn Nghiên không chịu trả biệt thự

(08:25:57 AM 04/12/2014)
(Tin Môi Trường) - UBND TP Hà Nội thu hồi 8 năm không được biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa do người thuê là nguyên chủ tịch UBND TP này không chịu trả

Trao đổi với phóng viên ngày 3-12, ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội  - cho biết trước khi đến ở biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, sống ở một ngôi nhà tại phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng. “Nếu đặt mình vào vị trí chủ tịch UBND TP Hà Nội bây giờ thì cũng khó xử, lúng túng thật khi người về sau lại ra quyết định thu hồi nhà ở của người trước đó. Có thể ông Nghiên cũng biết thế nên chây ì ra” - ông Liêm nhận xét.

 

Ông Hoàng Văn Nghiên không chịu trả biệt thự
Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, TP Hà Nội Ảnh: THẾ KHA


Liên tục đòi hỏi


Năm 2006, UBND TP Hà Nội có thông báo về việc không bán nhà số 12 Nguyễn Chế Nghĩa cho ông Hoàng Văn Nghiên. Sau đó, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã ký hợp đồng cho ông Nghiên thuê nhà này. Do có nhiều ý kiến phản đối nên Sở Tài nguyên và Môi trường phải chỉ đạo Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm việc với ông Nghiên để chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn nhưng sự việc cũng chẳng đi đến đâu.

Cuối năm 2006, đại diện bên thuê nhà - ông Hoàng Văn Nghiên - và Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội đã cùng nhau lập biên bản thương lượng xin dừng hiệu lực hợp đồng cho thuê nhà ở trước thời hạn. Văn bản này có điều khoản rằng sẽ bảo đảm mọi sinh hoạt cho bên thuê cho tới khi hai bên cùng tìm kiếm, xác lập được nơi ở mới ổn định, lâu dài, phù hợp với tiêu chuẩn quy định đối với người có công lớn xây dựng TP. Biên bản còn nêu rõ trong thời gian thực hiện việc này, bên thuê không phải trả tiền thuê nhà, những phí tổn do sự việc này gây ra thì công ty cho thuê nhà chịu!

Đến năm 2012, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất UBND TP cho phép ký lại hợp đồng thuê nhà với ông Nghiên tại số 12 Nguyễn Chế Nghĩa, sau khi giải quyết xong về nhà ở cho ông thì thu hồi; đồng thời đưa ra điều kiện là TP sẽ mua một căn nhà tại dự án khu Đông Hồ Nghĩa Đô với diện tích khoảng 173 m2. Hà Nội sẽ bố trí cho ông Nghiên ở ngôi nhà này và ký hợp đồng cho thuê, nếu ông có nhu cầu mua nhà thì TP sẽ giải quyết bán theo quy định tại Nghị định 61.

Ban đầu, ông Nghiên đồng ý với cách giải quyết này nhưng đến tháng 7-2013, ông đổi ý, đòi Sở Xây dựng, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đề xuất với TP mua đất xây biệt thự tại khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra (khu đô thị sang trọng và đắt đỏ bậc nhất ở Hà Nội) để thuê ở… Đòi hỏi này khiến sự việc đi vào ngõ cụt và biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa vẫn được gia đình ông Nghiên sử dụng đến nay.

Phải xem xét kỷ luật Đảng

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhận định: “Nhiều đồng chí được xây nhà nhưng vẫn để con cái ở và còn cố chiếm thêm nhà công vụ. Vừa rồi họp Quốc hội, nhiều đại biểu có nói về tình trạng tham nhũng nhà công vụ, tôi thấy đó là từ ngữ được dùng quá chính xác. Hầu hết những người ở nhà công vụ là đảng viên cả, phải chấp hành quy định của Đảng và nhà nước. Anh không chấp hành thì phải xem xét kỷ luật Đảng”.

Đồng tình, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng Hà Nội phải mạnh tay trong việc xử lý, thu hồi ngôi nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa. “Theo ý tôi, TP Hà Nội phải ra quyết định ngay chứ không thể cứ thỏa hiệp giới thiệu nơi này nơi kia mãi. Cứ ra quyết định về chỗ ở mới của ông Nghiên, không cần phải hỏi ý kiến ông ấy làm gì cả. Nếu ông ấy không chấp hành thì phải xử lý kỷ luật Đảng” - ông Liêm đề nghị.

Theo ông Liêm, trường hợp ông Nghiên kiên quyết không giao nhà thì nhà nước cần tiến hành cưỡng chế thu hồi. “Trước đây, nhà nước cho quyền ở đó thì giờ nhà nước quyết định ở đâu, ông ấy phải chấp hành. Còn nếu ông ấy không nhận, xin trả nhà thì chúng ta hoan nghênh” - ông Liêm bày tỏ.

Theo Người Lao động