Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Việc cúng tế có ở gần như tất cả các tộc người trên thế giới, họ thực hiện theo một cách thức nào đó, tùy theo niềm tin và tín ngưỡng của mình. Trong đó, Việt Nam là một dân tộc rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, ông bà.
Người Việt cúng các dịp trong năm, mùa nào cúng thức nấy. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc cúng tế tổ tiên, cúng tế trong các dịp lễ hội trở thành nghi lễ tương đối thường xuyên, không chỉ ở chùa chiền mà còn tại chính các gia đình. Đáng nói, người dân Việt Nam đặc biệt quan tâm cúng các dịp như rằm trung thu, rằm tháng giêng, lễ tết cuối năm…
Để đáp ứng cũng như phục vụ nhu cầu thờ cúng ngày càng đa dạng, thị trường vật phẩm cúng tế cũng vì thế mà phong phú hơn. Hàng năm, các giống cây, giống quả lạ và độc như: bưởi hồ lô, dưa hấu hình thỏi vàng, phật thủ… xuất hiện nhiều trên thị trường, tạo ra một sức hút lớn đối với người tiêu dùng.
Loại bưởi hình tay phật đang gây khuynh đảo thị trường Tết Ất Mùi 2014
Tết Ất Mùi 2015 sắp tới, trên thị trường đã xuất hiện loại bưởi bàn tay Phật. Dù giá cả không hề rẻ nhưng nó vẫn đang nhận được sự săn đón của rất nhiều người.
Nói về xu hướng chuộng những loại quả độc, lạ để cúng Tết, Tiến sĩ phong thủy Nguyễn Văn Vịnh cho rằng: “bản chất của việc cúng tế mang tính tượng trưng. Vì vậy, vấn đề không phải như người ta vẫn quan niệm “tốt lễ dễ nói” mà chỉ cần vừa đủ là được”.
Theo TS Vịnh, những vật phẩm không nhất thiết phải xa hoa, rắc rối. Trong điều kiện kinh tế chung của xã hội, của gia đình thì điều đó không cần thiết. Bởi nó không giải quyết sẽ có một sự ứng nghiệm nào đó của thần linh hay ông bà tổ tiên. Quan trọng là, người cúng phải có cái tâm, có lòng thành kính.
Hiện nay, có một số hoạt động cúng tế xuất hiện nhiều vật phẩm độc, lạ. Bởi thế, có những nghi lễ cúng bái có thể lên đến vài chục triệu đồng và có thể hơn nữa, gây sự tốn kém không nhỏ.
Giải thích về điều này, TS Vịnh cho rằng: “chúng ta ở xứ nhiệt đới, không thiếu gì hoa quả để thờ cúng lễ tết. Tuy nhiên, tâm lý thờ cúng càng nhiều, càng đắt, càng độc sẽ càng nhận được sự phù trợ của tổ tiên, thần linh đã hình thành và ăn sâu trong đời sống tâm linh của người tiêu dùng”.
Cũng theo TS Vịnh, việc sử dụng các loại quả độc, lạ để thờ cúng không ai cấm. Nhưng vô tình, nó hình thành nhiều quan điểm, suy nghĩ tiêu cực trong xã hội. Ngoài việc gây tốn kém, với những người không có khả năng đáp ứng nhu cầu cúng tế như những người khác, nó còn tạo ra tâm lí thua thiệt, bị thế lực linh thiêng phía trên ngược đãi.
Không chỉ vậy, TS Vịnh cũng cho rằng: “từ tín ngưỡng cúng tế, người ta suy lòng tham của con người trần thế của mình sang lòng tham của thánh thần, những thế lực linh thiêng. Nếu những thế lực linh thiêng đúng như vậy thì họ chỉ ủng hộ người giàu, vua chúa. Trong khi đó, xã hội thì chủ yếu là người trung bình, người nghèo”. TS Vịnh cho rằng, trong một bình diện chung, nghi lễ cúng nên đơn giản, đầy đủ và thành tâm.