Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ông Hồ Trung Phước, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận cho biết: Hai năm qua, Bình Thuận đã chú trọng triển khai ứng dụng nhiều thành tựu khoa học và công nghệ về nông nghiệp với những kết quả nổi bật. Tỉnh triển khai khảo nghiệm và đưa giống, bộ gen cây trồng, vật nuôi có khả năng thích nghi biến đổi khí hậu. Cụ thể là: Lưu giữ bảo tồn gen và giống thanh long; khảo nghiệm nhiều giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt; triển khai nhiều mô hình ứng dụng tưới tiết kiệm nước phục vụ trồng trọt; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho các xã xây dựng nông thôn mới… Đến cuối năm 2014, Bình Thuận đã trồng được 1.162 ha giống lúa xác nhận, 1.100 ha sản xuất lúa chất lượng cao và 354 ha lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Ngành khoa học và công nghệ Bình Thuận đã nghiên cứu, ứng dụng hơn 20 đề tài vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề tài “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật để phát triển một số loại cây nông nghiệp tỉnh Bình Thuận” bước đầu đã đạt kết quả khả quan, được nông dân đánh giá cao thông qua thực tế sản xuất do giống cây trồng có chất lượng. Việc áp dụng nuôi cấy mô thực vật cũng sẽ cơ bản giải quyết được những hạn chế trước đây về chất lượng, năng suất; làm tăng khả năng cung cấp cấy giống, phục hồi và chọn lựa tính ưu việt của một số cây trồng bị thoái hóa. Đây là mô hình thiết thực phục vụ việc nhân nhanh giống cây trồng, cho chất lượng cao và đồng đều.
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp Bình Thuận đạt được nhiều thành tựu. Nhờ phát triển mạnh hệ thống thủy lợi chủ động được nguồn nước và đặt biệt là áp dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản nên năng suất, sản lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu liên tục tăng trưởng khá. Sản lượng lương thực từ 640.000 tấn năm 2010 tăng lên 778.000 tấn năm 2014, sản lượng lương thực đạt cao nhất từ trước đến nay; sản lượng khai thác thủy sản tăng từ 169.000 tấn năm 2010 lên 190.000 tấn năm 2014… Tỉnh đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh, thâm canh các cây trồng lợi thế như thanh long, cao su, hồ tiêu và các cơ sở chăn nuôi lợn công nghiệp tập trung, nuôi trồng thủy sản, nhất là sản xuất tôm giống…
Tuy nhiên, so với yêu cầu, kết quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Việc xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm chuyển biến... Theo ông Hồ Trung Phước, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận: Thời gian tới, Bình Thuận cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về nghiên cứu ứng dụng, phát triển nguồn nhân lực… Điều cần thiết là phải gắn kết được cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học và người dân, để việc nghiên cứu, ứng dụng đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất.
Bình Thuận phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 90% sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.