Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>>Những "truyền thuyết hiện đại" về thủy điện Mekong- phần 2
Ảnh minh họa: TL
Hiện nay trên dòng chính Sông Mekong ở Hạ lưu vực Mekong, Lào và Campuchia đang có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện chắn ngang sông, trong đó 9 đập ở Lào và 2 đập ở Campuchia. Đập Xayaburi đã khởi công xây dựng từ tháng 11, 2012 đến nay đã được khoảng 30% tiến độ và hiện nay Lào đã thông báo cho các quốc gia thành viên MRC về ý định xây dựng đập thứ hai, đập Don Sahong, trên dòng chính. Nằm ở phía cuối cùng ở hạ lưu sông Mekong, Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam sẽ chịu tác động to lớn và vĩnh viễn nếu tất cả 11 công trình này được xây dựng.
Các nước xây dựng thủy điện trên dòng chính Mekong trong lãnh thổ quốc gia của họ thì họ có toàn quyền quyết định, không ai có thể can thiệp gì.
Đúng là các công trình đập thủy điện được xây dựng trong lãnh thổ của các nước khác, nhưng trên Sông Mekong thì chịu sự chi phối của Hiệp định hợp tác Mekong đã được 4 quốc gia thành viên Ủy hội Mekong quốc tế (MRC) ký kết năm 1995, một hiệp định hợp tác chia sẻ sử dụng nước và quản lý lưu vực sông Mekong. Hiệp định 1995 có quy định một quy trình gọi là PNPCA (Quy trình Thông báo trước, Tham vấn trước, và Thỏa thuận) để 4 chính phủ cố gắng đạt được thỏa thuận. Mục đích của quy trình này là để các quốc gia có cơ hội đánh giá các tác động xuyên biên giới. Dù Hiệp định Mekong 1995 mang tính tự nguyện, không có cơ chế thực thi pháp luật theo nghĩa truyền thống, nhưng chưa có quốc gia nào bác bỏ Hiệp định này và “tinh thần Mekong” tức là tinh thần hợp tác hàm chứa trong hiệp định vẫn còn giá trị.
Hiệp định 1995 công nhận nguyên tắc “sử dụng bình đẳng và hợp lý” là cơ sở của việc hợp tác của 4 quốc gia. Điều này có nghĩa là mặc dù các nước ở phía hạ lưu không thể phủ quyết việc sử dụng dòng sông, nhưng họ có quyền yêu cầu có một quy trình công bằng, hợp lý để quyền của họ cũng được tôn trọng. Tương tự, các nước ở phía thượng lưu có quyền sử dụng dòng sông, nhưng phải là sau khi đã thực hiện các bước để tôn trọng quyền của các quốc gia ở phía hạ lưu. Do đó, không có quốc gia nào có quyền định đoạt tuyệt đối đối với dòng Sông Mekong mà phải hợp tác để đạt được một giải pháp.
Điều 3 của Hiệp định Mekong 1995 về Bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái qui định “Bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, điều kiện sống và đời sống thủy sinh, và cân bằng sinh thái của lưu vực Mekong khỏi bị ô nhiễm hoặc bị ảnh hưởng có hại khác do các kế hoạch phát triển và việc sử dụng nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực gây ra”.
Thực tế, cả hai báo cáo Đánh giá tác động môi trường cho hai trường hợp Xayaburi và Don Sahong đều kém chất lượng, không có đánh giá tác động xuyên biên giới. Các biện pháp gọi là giảm thiểu tác động chỉ mang tính lý thuyết, chưa có gì chứng minh là hữu hiệu, đặc biệt trong bối cảnh một dòng sông lớn vùng nhiệt đới có tải lượng phù sa hàng năm, sự đa dạng loài cá và tổng sinh khối cá rất lớn như Sông Mekong. Hơn nữa, vì các báo cáo Đánh giá tác động môi trường không phân tích tác động xuyên biên giới, các biện pháp giảm thiểu tác động đưa ra không dựa trên nghiên cứu tác động xuyên biên giới.
Do những lý do trên, việc các nước thành viên MRC, nhà hoạt động môi trường,nhà khoa học, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng quốc tế nêu quan ngại và kêu gọi trì hoãn xây dựng các đập trên dòng chính Mekong trong 10 năm để nghiên cứu thêm là hoàn toàn phù hợp với tinh thần Hiệp định hợp tác Mekong 1995. Việc yêu cầu phải có các đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới được tiến hành một cách khách quan, khoa học và các biện pháp giảm thiểu tác động được chứng minh hiệu quả trước khi đưa ra quyết định xây dựng đập là những yêu cầu hoàn toàn hợp lý, hợp tình.
Cơ sở của việc kêu gọi hoãn quyết định về xây dựng các đập trong 10 năm, theo khuyến nghị rất rõ ràng của của nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (báo cáo SEA) do MRC ủy nhiệm thực hiện trong 16 tháng từ 2009 đến 2010 là:
•Sông Mekong là một trong những dòng sông vĩ đại nhất trên trái đất này, với nguồn tài nguyên thết yếu cho khu vực, duy trì sinh kế, sức khỏe, văn hóa, của hàng triệu người. Toàn vùng sẽ chịu ảnh hưởng của các quyết định về sự phát triển thủy điện trên dòng chính Mekong.
•Cần có thêm nghiên cứu, đánh giá tác động xuyên biên giới và tham vấn có ý nghĩa với các cộng đồng bị ảnh hưởng.
•“Dòng chính sông Mekong không bao giờ nên được dùng làm thí nghiệm để chứng minh hay cải thiện công nghệ thủy điện có đập chắn ngang toàn bộ dòng sông”.
•Vì vậy các quyết định phải dựa trên các nghiên cứu nghiêm túc và công nghệ được kiểm chứng, và có sự tham vấn với các chính phủ và các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Xem xét câu hỏi cơ bản nhất “Đắp hay không đắp dòng chính Sông Mekong?”, báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược đưa ra 4 Phương án chọn lựa bao gồm: 1. Không đắp đập dòng chính, 2. Hoãn tất cả các đập dòng chính cho một thời gian xác định để nghiên cứu thêm trước khi ra quyết định đắp hay không đắp và nếu có đắp thì đắp như thế nào, 3. Xây dựng dần thủy điện dòng chính, 4. Phát triển các dự án thủy điện dòng chính theo thị trường.
Sau khi phân tích về các tác động tiềm tàng và các lợi ích liên quan đến các dự án dòng chính, và tiếp theo một chương trình tham vấn sâu với hơn 100 cơ quan nhà nước và phi chính phủ, nhóm SEA đã đưa kiến nghị các quốc gia Mekong chọn Phương án chiến lược số 2.
Tuy Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhiều của thủy điện Mekong nhưng vì chưa định lượng tổn thất là bao nhiêu cho nên nêu quan ngại là không có cơ sở.
Đã có rất nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế, đặc biệt là công trình nghiên cứu Đánh giá môi trường chiến lược trong 16 tháng của một nhóm chuyên gia hùng hậu 25 người thực hiện từ 2009 đến 2010 do MRC ủy thác. Các nghiên cứu này đã phân tích số liệu, nghiên cứu hiện có, các cơ sở lý thuyết khoa học về thủy văn, thủy lực, nông nghiệp, thủy sản, kinh tế, năng lượng, sinh thái cũng như các phân tích về tác động của thủy điện trên thế giới và đưa ra những cảnh báo về các tác động sẽ có đối với ĐBSCL. Do đó không thể nói rằng các cảnh báo hiện nay là không có cơ sở.
Tác động của thủy điện rất đa dạng và sẽ bộc lộ dần dần qua thời gian sau khi xây đập. Có những tác động thấy sớm và những tác động sẽ diễn ra dần dần. Ví dụ sau khi xây đập xong thì cá không thể di cư được trong mùa di cư sau, không sinh sản được thì trứng cá và cá con sẽ không còn trôi xuống ĐBSCL ngay trong mùa sau. Nhưng mất phù sa thì khoảng 10-15 năm sau mới thấy được tác động rõ ràng trên năng suất lúa; giảm nguồn cát, sỏi ở đáy sông cũng phải cần 10 năm sau mới nhận biết vì thời gian cát sỏi di chuyển dọc đáy sông xuống đến ĐBSCL cũng mất nhiều năm.
Muốn định lượng được tổn thất là bao nhiêu thì cần rất nhiều thời gian để đo đếm tình trạng hiện tại (ví dụ sản lượng thủy sản tự nhiên, tình trạng sạt lở, năng suất lúa, v.v) và thiết lập các mối tương quan giữa tác động và tổn thất (ví dụ giảm bao nhiêu phù sa ở vùng biển thì năng suất thủy sản biển giảm theo là bao nhiêu, giảm phù sa lên đồng ruộng thì năng suất lúa giảm tương ứng bao nhiêu và khi nào, mất nguồn cá trắng thì ảnh hưởng thế nào đến dinh dưỡng người dân, đặc biệt là người nghèo, trẻ em, phụ nữ, người già ở nông thôn và ảnh hướng thế nào đến các loài khác như chim, cò, rùa, rắn trong chuỗi sinh thái).
Theo thông lệ quốc tế, các công ước, và quy định quốc tế, trong trường hợp có những đề xuất dự án và chính sách có thể gây ra tổn hại lớn đến môi trường và sức khỏe con người ở diện rộng như trường hợp các đập thủy điện Mekong thì phải áp dụng nguyên tắc cẩn trọng theo đó những quyết định đưa ra một cách có trách nhiệm, thiên về hướng an toàn để bảo vệ con người và môi trường.
Nguyên tắc cẩn trọng đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc công nhận vào năm 1982 trong Hiến chương thế giới về Thiên nhiên và được áp dụng trong Công ước Montreal (Montreal Protocol) 1987. Nguyên tắc này đã được đưa vào nhiều công ước và thỏa thuận quốc tế như Công ước Kyoto, công ước Motreal 1987, Nguyên tắc số 15 của Tuyên bố Rio 1992, tuyên bố Winspread 1998 về nguyên tắc cẩn trọng.
Nguyên tắc cẩn trọng tuyên bố rằng “khi một hành động hoặc một chính sách bị nghi ngờ có rủi ro gây hại cho công chúng hoặc cho môi trường, và thiếu sự đồng thuận khoa học rằng hành động hoặc chính sách đó là không gây hại, thì trách nhiệm chứng minh (burden of proof) rằng hành động đó không có hại là thuộc về phía đưa ra hành động hoặc chính sách”.
Như vậy, ở vị thế bên bị tác động, Việt Nam, hay đặc biệt là người dân ĐBSCL hoàn toàn có quyền nêu quan ngại cho đến khi nào có cơ sở khoa học vững chắc để đảm bảo tác động không nghiêm trọng hoặc có biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu.
Cụ thể hơn, Nguyên tắc cẩn trọng yêu cầu: Một là, phía đề xuất dự án phải đưa ra được bằng chứng là họ đã: xem xét các phương án khả dĩ khác và tiến hành việc của họ một cách có trách nhiệm và ít gây hại nhất, và dự án của họ sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và môi trường tư nhiên. Hai là, việc ra quyết định phải có sự tham gia một cách có ý nghĩa của bên có thể bị hại. Ba là, cần phải theo dõi hậu quả của quyết định và sẵn sàng đảo ngược hành động khi phát hiện có hậu quả xấu. Vì vậy, nguyên tắc cẩn trọng yêu cầu tránh những quyết định không thể đảo ngược hoặc không thể khắc phục.
(Còn tiếp)