Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật ở Việt Nam: Những ảnh hưởng về môi trường và sức khỏe cộng đồng

(11:05:00 AM 01/12/2014)
(Tin Môi Trường) - Trên thế giới, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm. Nếu như trước năm 1985, khối lượng hóa chất bảo vệ thực vật dùng hàng năm khoảng 6.500 đến 9.000 tấn thì trong 3 năm gần đây, hàng năm Việt Nam nhập và sử dụng từ 70.000 đến 100.000 tấn hóa chất thành phẩm để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Qua những con số trên có thể thấy, Việt Nam là một trong số những nước có lượng tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật rất lớn, đã và đang tác động xấu dến môi trường và sức khỏe cộng đồng trong hiện tại và tương lai.

Tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật ở Việt Nam: Những ảnh hưởng về môi trường và sức khỏe cộng đồng

Xử lý kho hóa chất độc hại tồn lưu tại Thái Nguyên - Ảnh: TL

 

Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng chất lượng môi trường sống nước ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề “nóng” về suy thoái đất, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, phá rừng và suy giảm đa dạng sinh học. Trong đó ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra đang trở nên nghiêm trọng.

Nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng chất lượng môi trường sống nước ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề “nóng” về suy thoái đất, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, phá rừng và suy giảm đa dạng sinh học. Trong đó ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra đang trở nên nghiêm trọng.

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường-Tổng Cục Môi trường cho biết: Thống kê về các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật từ năm 2007 đến năm 2009, phát hiện 1.153 khu vực gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn 35 tỉnh, thành phố, trong đó có khoảng 864 khu vực môi trường đất bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn 17 tỉnh, thành phố và 289 kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn 35 tỉnh, thành phố.

Kết quả điều tra và phân loại theo quy định tại Điều 92 của Luật Bảo vệ môi trường thì trong tổng số 864 khu vực bị ô nhiễm, có 189 khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng và ô nhiễm nghiêm trọng, 87 khu vực bị ô nhiễm và 588 khu vực đất có ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu nhưng vẫn chưa đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm. Trong số 864 khu vực bị ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, 251 khu vực hiện đã được cải tạo để xây dựng nhà ở, 14 khu vực được xây dựng và cải tạo thành trường mầm non, trường học trên nền khu vực có tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, 26 khu vực đã xây dựng trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, đường đi, đào ao thả cá, nghĩa trang, nhà để xe...

Trong số 289 kho chứa hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu và phân loại cơ sở theo quy định tại Thông tư số 07/2007 ngày 3/7/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, về việc hướng dẫn phân loại và Quyết định danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần xử lý, có 51 kho gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 8 kho gây ô nhiễm môi trường và 230 kho chưa đánh giá được mức độ ô nhiễm.

Hiện trong 289 kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu hiện đang lưu giữ khoảng 217 tấn 37.000 lít hóa chất bảo vệ thực vật và 29 tấn bao bì (trong đó có nhiều loại bao bì, vỏ chai, thùng phuy chứa đựng hóa chất bảo vệ thực vật không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xử chủ yếu gồm các loại hóa chất: DDT, Basal, Lindan, thuốc diệt chuột, gián, muỗi của Trung Quốc, Vinizeb-Exho, Xibuta, Kayazinno, Hinossan,...). Theo các kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổng cục Môi trường, thuốc bảo vệ thực vật hiện còn tồn lưu ở Việt Nam chủ yếu là DDT (lẫn với Lindan). Đây là những loại hoá chất còn tồn lưu tại các kho từ trước năm 1990.

Ngoài ra, ở Việt Nam hiện còn tồn đọng 2 loại thuốc bảo vệ thực vật là 2,4-D và thiodan nằm ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật là các hợp chất POP theo Công ước Stockholm, nhưng lại thuộc nhóm thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ khó phân huỷ, lượng tồn đọng khoảng 400 kg dạng bột và 5,8 lít dạng lỏng. Từ năm 1993 một số loại hợp chất như DDT, lindan, HCB đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam, tuy nhiên hàm lượng hiện nay của chúng trong các thành phần môi trường vẫn tương đối cao.

Kết quả điều tra, thống kê mới đây của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định số 1946 của Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung mới 409 khu vực bị ô nhiễm môi trường do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Yên Bái, Lạng Sơn, Hải Dương, Phú Thọ, Thái Bình, Hải Phòng, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Quảng Ngãi, Bến Tre, Long An, Hà Nội, Quảng Nam, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sơn La, Ninh Bình, Bắc Giang, Hưng Yên... Hầu hết các tỉnh phía Nam không phát hiện các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường.

Văn Hào