Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khi trẻ bị viêm họng, cần điều trị triệt để, nhằm tránh dẫn đến viêm phổi - Ảnh: T.Tùng
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), viêm phổi là bệnh nhiễm trùng hô hấp dưới. Bệnh khởi phát nhanh đột ngột, với biểu hiện thường gặp là sốt, ớn lạnh, ho, thở khò khè, thở nhanh, khó thở. Với trẻ nhỏ, các dấu hiệu giúp chẩn đoán gồm sốt, tím tái, suy hô hấp. Theo bác sĩ Khanh, bình quân mỗi ngày trên thế giới có 4.300 trẻ em tử vong do bệnh viêm phổi. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,1 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong do viêm phổi. Còn tại VN, bình quân mỗi năm có 2,9 triệu trẻ dưới 5 tuổi viêm phổi nhập viện.
Về nguyên nhân, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết phế cầu khuẩn là tác nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ (chiếm khoảng 50 - 60% trong số trẻ viêm phổi), bên cạnh các vi trùng, siêu vi khác. Phế cầu khuẩn “thường trú” ở mũi họng, nếu cơ thể chúng ta khỏe mạnh thì phế cầu khuẩn sống chung “hòa bình” với chúng ta. Nhưng gặp lúc sức đề kháng của cơ thể yếu, miễn dịch giảm, hoặc gặp các tác nhân khác (như hút thuốc lá thụ động, môi trường ô nhiễm, nhiều bụi bặm...) thì phế cầu khuẩn sẽ tấn công cơ thể và gây bệnh. Không chỉ gây viêm phổi mà vi trùng phế cầu khuẩn còn gây ra các bệnh phế cầu xâm lấn gồm viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa cấp (cũng là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ).
Về biến chứng do viêm phổi, theo bác sĩ Khanh, tỷ lệ này không nhiều, biến chứng có thể gây tràn mủ màng phổi khiến việc điều trị kéo dài, tốn kém. Ngoài ra, bệnh viêm phổi dễ tái phát nếu không điều trị triệt để, gây ảnh hưởng đến phát triển ở trẻ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, để bảo vệ trẻ phòng tránh mắc bệnh viêm phổi, cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời; sử dụng nguồn nước sạch, giữ vệ sinh môi trường, giữ không khí trong nhà thoáng đãng, tránh để ô nhiễm bởi các khói bếp lò dễ gây bệnh; khi trẻ bị viêm họng, viêm phế quản, cần điều trị triệt để (nhằm tránh dẫn đến biến chứng viêm phổi).
Các bà mẹ, người chăm sóc trẻ cần để ý cách thở thông thường của trẻ. Khi phát hiện trẻ bị ho và có kiểu thở khác thường, thở nhanh - khi bị viêm phổi trẻ thở hít vào thì xương sườn lõm xuống, lúc này mau đưa trẻ đi khám. Người chăm sóc, chế biến thức ăn cho trẻ bị viêm phổi, cần giữ vệ sinh sạch sẽ, bởi lúc này sức đề kháng ở trẻ đang yếu, vi khuẩn, vi trùng dễ tấn công làm bệnh nặng hơn. Để ý dấu hiệu bất thường, đưa trẻ đến khám, chữa trị trước 3 ngày (được xem là sớm) nhằm tránh vi trùng gây bệnh lan rộng.