Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tẩy độc đất nhiễm dioxin bằng phân hủy sinh học

(18:13:06 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Theo Viện Công nghệ Sinh học, từ năm 1999 đến năm 2009, các nhà khoa học Viện Công nghệ Sinh học, Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam nghiên cứu một số công nghệ để tẩy độc đất nhiễm nặng chất diệt cỏ/dioxin bằng phân hủy sinh học (bioremediation) ở căn cứ quân sự của Mỹ nguỵ cũ tại Đà Nẵng.

Kết quả cho thấy ở các qui mô phòng thí nghiệm đến  pilot hiện trường từ 0,5 – 100 m3 hiệu quả khử độc đạt từ 40 – 100 pgTEQ/ ngày.

 

Tháng 4/2009 đã thực hiện tẩy độc bằng công nghệ phân hủy sinh học trong các lô chôn lấp tích cực ở qui mô 3384m3 tại căn cứ quân sự Mỹ ngụy cũ Biên Hòa, Đồng Nai thuộc dự án tẩy độc do Bộ Quốc phòng chủ trì.

 

Tháng 5/2009 các cán bộ khoa học của Viện đã tiếp tục triển khai dự án hợp tác với Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ từ nguồn kinh phí của Quỹ Ford  thử nghiệm ở qui mô 2m3 với 11 công thức khác nhau tại căn cứ quân sự cũ Đà Nẵng.

 

Mục đích của dự án là để  thiết kế và biểu diễn việc sử dụng hiệu quả quá trình hiếu khí, kị khí của vi sinh vật phân hủy dioxin, chất diệt cỏ từ lúc bắt đầu đến hết 6 tháng xử lý với sự đánh giá chéo mức độ thay đổi nồng độ chất độc ở  bốn phòng thí nghiệm  EPA (Hoa Kỳ), EUROFINS (Germany), phòng thí nghiệm phân tích dioxin của Bộ Quốc phòng Việt Nam và BDS (Hà Lan).

 

Nghiên cứu này cũng  nhằm tìm ra  và cung cấp cho các thiết kế công nghệ chủ đạo để chọn lọc công thức cho xử lý hiếu khí hay kị khí, tối ưu các yếu tố công nghệ phân hủy sinh học để áp dụng công nghệ  sinh học ở qui mô hiện trường.

 

 

Thi công xử lý ô nhiễm dioxin tại Đà Nẵng

 

Đây là hợp tác nghiên cứu đầu tiên giữa các nhà khoa học Việt Nam và Hoa Kỳ về công nghệ xử lý ô nhiễm dioxin tại các điểm nóng ở miền Trung và Nam.

 

Về phía Việt Nam, dự án được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu xử lý các ô nhiễm hữu cơ bền vững (POPs) thuộc Viện Công nghệ Sinh học, Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam do PGS. TS. Đặng Thị Cẩm Hà đứng đầu cùng với sự tham gia của một số cán bộ của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

 

Phía Hoa Kỳ đã cử hai nhà khoa học là TS. Harry Allen và Vance Fong phối hợp cùng các đối tác phía Việt Nam thực hiện dự án và cùng đánh giá hiệu quả xử lý tẩy độc.

 

Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này đã sử dụng những phương pháp chuẩn và hiện đại, mới để đánh giá quá trình phân huỷ sinh học do vi sinh vật thực hiện và hiệu quả loại bỏ dioxin và các chất ô nhiễm khác có trong  các mẫu xử lý.

 

Sau quá trình thực hiện, dự án thử nghiệm hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và Hoa Kỳ đã thu được kết  nhiều quả và có thể tóm tắt như sau:

 

Sự phân huỷ sinh học dioxin xử lý hiếu khí và kị khí (chôn lấp tích cực) đạt tốc độ trung bình là 100 ppt hay 100pg TEQ/ngày. Phân huỷ kị khí chậm hơn khoảng ½ so với hiếu khí.

 

Biện pháp tăng cường sinh học có hiệu quả ở qui mô nhỏ, tuy nhiên với một khối lượng đất lớn thì biện pháp kích thích vi sinh vật bản địa mang lại kết quả phân huỷ cao, khả thi khi áp dụng thực tế.

 

Các chất bổ sung để nuôi vi sinh vật và điều kiện để “nuôi” chúng ngay tại hiện trường đã được xác định để thực hiện cho tất cả các điểm nóng ô nhiễm dioxin.

 

Công nghệ này được công nhận là một “công nghệ xanh” vì có nhu cầu năng lượng rất thấp, tạo ít khí  và  là một giải pháp tốt nhất cho đất bị ô nhiễm nặng chất độc, sau khi xử lý có thể lập tức tái sử dụng  mang lại lợi ích cho cộng đồng.

 

Kiến thức thu được từ dự án này bởi các nhà khoa học cả VAST và EPA sẽ cho phép thiết kế các công thức xử lý sinh học phù hợp để giải quyết vấn đề dioxin cũng như  ô nhiễm các chất  hữu cơ bền vững (POPs) khác tại Việt Nam và các nơi khác.

 

Những kết quả của dự án thử nghiệm tẩy độc chất diệt cỏ/dioxin bằng phương pháp sinh học này đã được các nhà khoa học hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ trình bày tại Cuộc họp Uỷ ban Tư vấn hỗn hợp Hoa Kỳ - Việt Nam về Chất Da Cam và chất độc Dioxin (gọi tắt là JAC) diễn ra trong hai ngày 8-9/7/2010 tại Hà Nội.

 

Cũng tại cuộc họp này, bà Virginia Palmer, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, đánh giá dự án thử nghiệm tẩy độc bằng phương pháp sinh học hợp tác giữa Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ là sự cộng tác hữu hiệu và là một nỗ lực chung giữa những nhà khoa học, để đưa ra cách thức tiếp cận sáng tạo đối với việc tẩy độc dioxin cũng như với những ứng dụng tiềm năng cho nhiều loại chất gây ô nhiễm khác.

 

Đây được xem như là một dấu ấn trong sự hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ giữa các nhà khoa học Việt Nam và Hoa Kỳ và hứa hẹn sẽ mở ra nhiều hợp tác hiệu quả hơn nữa giữa hai phía trong tương lai.

PV