Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản ở Vĩnh Phúc đã bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường -Ảnh: TL
Việc khai thác tài nguyên khoáng sản ở Vĩnh Phúc đã khiến nhiều đoạn sông biến đổi dòng chảy, làm cho đất canh tác tại các bãi bồi giữa dòng sông, bãi đất ven sông sạt lở, diện tích canh tác suy giảm, thậm chí nhiều hộ gia đình mất đất canh tác. Nhiều đồi núi bị đào bới đất đá để mang đi nơi khác san lấp mặt bằng làm cho cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ. Khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản ở Vĩnh Phúc còn làm cho nhiều tuyến đường dân sinh bị "băm nát", các loại cây trồng nằm trong tầm ảnh hưởng bị khói bụi mịt mờ không có khả năng kết hạt, kết trái... Điều đáng nói, vấn đề này đã được người dân kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri, kỳ họp Hội đồng nhân dân nhưng đến nay chưa được giải quyết, xử lý.
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có hàng chục đơn vị có giấy phép còn hiệu lực tham gia khai thác khoáng sản ở nhiều mỏ, điểm mỏ như điểm mỏ đá granit - fenspat, điểm mỏ cát sỏi trên sông, điểm mỏ đá xây dựng, điểm mỏ sét đồi làm gạch men... Hiện, các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh được đánh giá chủ yếu có công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ; các mỏ, điểm mỏ khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, không tập trung. Không ít doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khai thác sai quy định, vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác như: Khai thác ngoài phạm vi quy định, hết phép vẫn cố tình hoạt động để tận thu kiềm lời. Nhiều địa phương xảy ra tình trạng giữa chủ khai thác đã tự thỏa thuận với dân có ruộng, đồi để khai thác đất đồi, đất sét làm gạch ngói, cát xây dựng... làm cho đồi núi bị tan hoang, đồng ruộng gần nơi khai thác giảm khả năng canh tác, sạt lở bờ sông kéo theo ruộng đất ở bãi sông cũng bị dòng nước cuốn mất. Hoạt động khai thác đá thường phát sinh tiếng ồn, bụi, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí và các hộ dân cư quanh khu vực. Ngoài ra, các phương tiện lưu thông ra vào khu mỏ là nguyên nhân gây xuống cấp, hư hỏng các tuyến đường giao thông trên địa bàn, nhất là các xe tải hạng nặng chở cát, đất, đá, sỏi đi qua các trục đường và cầu cống, phá nát nhiều công trình.
Nhiều địa phương ở Vĩnh Phúc khai thác cát sỏi đã đồng nghĩa khai tử nhiều núi đồi, đường giao thông lân cận. Điển hình như khu vực xã Kim Long, huyện Tam Dương suốt 2 đến 3 năm qua có hàng chục ha đồi núi bị khai thác nham nhở, trong đó có nhiều đồi núi bị san phẳng; khu vực núi Bông và các gò đồi lân cận núi Bông thuộc phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên rộng hàng chục ha trước đây có cảnh quan thiên thiên thật đẹp mắt với màu xanh tươi tốt của các loại cây thì nay đã bị san phẳng vì tình trạng khai thác đất san lấp. Núi Thằn Lằn (hay còn gọi là đồi Phượng Hoàng) của thị xã Phúc Yên là một dãy núi cao duy nhất nằm ở phía Tây Nam thị xã, thuộc ranh giới giữa xã Ngọc Thanh, xã Cao Minh và phường Xuân Hoà. Xung quanh núi địa hình bằng phẳng và trống trải rất thuận lợi cho phòng thủ quân sự nhưng một phần khu vực chân núi này đã và đang bị khai thác cả ngày lẫn đêm…Hàng trăm hộ dân sống ở hai bên bờ con sông Lô đang kêu cứu vì tình trạng khai thác đất cát gây sạt lở đất đồi bãi, đất vườn.
Sau khi nghe người dân phản ánh, các ngành chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hàng trăm lượt, xử phạt hàng chục cơ sở, nhưng số tiền phạt bình quân chỉ từ 4 đến 5 triệu đồng/cơ sở, không đủ sức răn đe. Những đối tượng cầm đầu, những đối tượng bảo kê chưa được lôi ra ánh sáng pháp luật, bởi vậy chưa thể giải quyết triệt để vấn đề khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, khiến dư luận bức xúc.