Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phòng máy hệ thống ĐMTNL tại Bệnh viện Tam Kỳ.
Xu hướng dùng công nghệ ĐMT nối lưới (ĐMTNL) này bùng phát từ năm 2008. Phòng Công nghệ ĐMT (Solarlab) Viện Vật lý TPHCM thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu công nghệ ĐMTNL từ năm 2005 và thử nghiệm ở TPHCM từ năm 2008. Tuy nhiên, công nghệ ĐMTNL của thế giới (BIPV) chưa thể áp dụng ở Việt Nam vì chúng ta chưa có luật cho phép hòa lưới từ các nguồn điện độc lập của tư nhân vào lưới điện quốc gia.
Vì vậy nhóm nghiên cứu Solarlab đã đưa ra ý tưởng thiết kế và phát triển công nghệ SIPV đảm bảo hòa lưới một chiều, chống mất điện và đảm bảo cung cấp cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với giá rẻ, áp dụng từ 22 giờ đến 4 giờ sáng mỗi ngày.
Bệnh viện ĐMTNL đầu tiên
Cơ duyên sở hữu hệ thống ĐMTNL của BV Đa khoa Tam Kỳ thật ngẫu nhiên. Tháng 9-2008, tại một hội thảo quốc tế về ĐMT ở TPHCM, bác sĩ Phạm Hồng Yên - Giám đốc BV Đa khoa Tam Kỳ, gặp ông Trịnh Quang Dũng - phụ trách Solarlab, và từ câu chuyện trao đổi ở hội nghị ấy, dự án về ĐMTNL tại BV Đa khoa Tam Kỳ được hình thành.
Ban đầu, dự án được hoạch định với kinh phí tài trợ 50% từ Bộ KH-CN, nhưng do ảnh hưởng cơn bão cuối năm 2009, mọi việc chựng lại. Chạy đôn chạy đáo kiếm thêm nguồn tài trợ, cuối cùng BS Phạm Hồng Yên tìm thấy sự đồng cảm và hỗ trợ 25% kinh phí từ Viện Vật lý TPHCM.
Cuối tháng 5-2010, BV dùng ĐMTNL đầu tiên ở Việt Nam hoạt động, được hòa vào lưới cục bộ của Trung tâm Cấp cứu, với công suất khoảng 600 kWh/tháng và 7.200 kWh/năm. Tổng dung lượng ĐMT sản xuất hàng ngày hoàn toàn đảm bảo 100% nhu cầu điện của trung tâm cấp cứu. Cái được nhất là nguồn điện này đảm bảo 24/24, không sợ mất điện đột ngột có thể làm bệnh nhân tử vong.
Công nghệ SIPV đảm bảo nguồn điện chính khi bị ngắt sẽ tự động chuyển sang hệ thống điện dự phòng để đảm bảo hoạt động liên tục, đảm bảo không mất dữ liệu máy tính và thiết bị phục vụ cấp cứu, không còn chờ khởi động máy phát điện nổ mỗi khi điện lưới gián đoạn. Kết quả thử nghiệm “sự cố cúp điện giả định đột xuất” (cắt điện lưới quốc gia) cho thấy không có bất kỳ một ảnh hưởng nào tới mạng điện của trung tâm cấp cứu.
Điện mặt trời được ứng dụng trong hoạt động của Bệnh viện Tam Kỳ. Ảnh: HÀ LONG
Hình mẫu cần nhân rộng
Tuy quy mô của dự án nhỏ song nó có ý nghĩa rất quan trọng, vì đây là sản phẩm thuần Việt. Toàn bộ hệ thiết bị như: PV Madicub, Madicub dự phòng, Madicub sạc mặt trời, Madicub hiển thị, Madicub USP đều do Solarlab thiết kế và Công ty cổ phần Nam Thái Hà TPHCM chế tạo.
Với công nghệ SIPV và việc thiết kế chế tạo trong nước toàn bộ thiết bị, Việt Nam tiếp bước Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… gia nhập hàng ngũ các quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á làm chủ công nghệ ĐMTNL.
Với khả năng giảm 30% chi phí đầu tư và mang lại dòng “điện xanh”, không chất thải, ĐMTNL có thể được xem như chìa khóa vàng cho phát triển bền vững. Nhà nước cần quan tâm hơn nữa về mặt pháp lý đối với ĐMT nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung. Khi đó sẽ có thêm nhiều bệnh viện ĐMTNL ra đời như mô hình Trung tâm Cấp cứu BV Đa khoa Tam Kỳ.