Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tăng cường hiệu quả quản lý nhân lực hành chính công- Ảnh: TL
Tại Hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia và các nhà khoa học trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận về những vấn đề trong công tác quản lý nhân lực khu vực hành chính công Việt Nam; quản lý nhân lực hành chính công của Pháp - Mô hình thực tế và những bài học kinh nghiệm; công tác quản lý nhân lực hành chính công ở Việt Nam hiện nay; hợp tác quốc tế trong đào tạo về Quản lý công.
Tiến sỹ Cadiot Bertrand- Chuyên gia cao cấp, Cố vấn về hợp tác quốc tế, Tổng thư ký – Bộ Nội vụ Pháp, Chuyên gia cao cấp Trường Hành chính quốc gia Pháp (ENA) cho biết, hệ thống hành chính Pháp phân cấp các phạm vi quản lý một cách độc lập từ Chính phủ- vùng- tỉnh-xã. Công chức Pháp bao gồm ba loại: Công chức Nhà nước (Chính phủ, Bộ, ngành giáo dục, cảnh sát, quân đội), công chức địa phương (vùng, tỉnh, xã), công chức ngành y tế. Tổng số công chức khoảng 5,6 triệu người/65 triệu người dân. Tiêu chí đánh giá chất lượng công chức phụ thuộc vào nhiệm vụ được giao và mức độ trách nhiệm với những nội dung như: Hiệu quả trong công việc và việc thực hiện mục tiêu; năng lực chuyên môn; quan hệ; khả năng quản lý hoặc thực hiện những nhiệm vụ cao hơn. Theo Tiến sỹ Cadiot Bertrand, mặc dù nền hành chính công của Pháp rất phát triển nhưng vẫn phải chịu những ảnh hưởng của toàn cầu như khó khăn tài chính, dư thừa nhân lực, đặc biệt là sau khi áp dụng Chính phủ điện tử; khó sa thải nhân sự…
Nhận xét về nhân lực hành chính công của Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá: Nhân lực hành chính công là một trong những yếu tố rất quan trọng và mang tính của quyết định của nền hành chính Nhà nước. Bởi, nhân lực hành chính công, trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức - là sản phẩm, cũng đồng thời là chủ thể của nền hành chính Nhà nước. Trong quá trình hoạt động công vụ mang tính quyền lực Nhà nước, cán bộ, công chức Nhà nước tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, đến quyền và lợi ích của công dân, tổ chức và cả cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhân lực hành chính công ở Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế: Công tác đánh giá cán bộ, công chức còn chung chung, hình thức. Việc đánh giá còn nể nang, chưa phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, người giao nhiệm vụ trong đánh giá, phân loại cán bộ, công chức. Nội dung và phương pháp đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính sách tiền lương còn thấp dẫn đến đời sống cán bộ, công chức còn gặp nhiều khó khăn.
Từ thực trạng trên, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dĩnh đề xuất, công tác quản lý nhân lực hành chính công cần được tăng cường theo hướng: Xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thống về tiêu chuẩn, chức danh công chức, có cả công chức lãnh đạo quản lý, đảm bảo 100% các chức danh, tiêu chuẩn công chức được xây dựng. Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước cần được rà soát, đẩy mạnh phân cấp quản lý và hoàn thiện tổ chức công vụ, tinh giản bộ máy để bảo đảm bộ máy gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, thực sự là cơ quan phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội ngày càng tốt hơn. Nhà nước có chính sách thu hút người tài vào hoạt động công vụ. Công tác đánh giá cán bộ, công chức cần được đổi mới căn cứ theo kết quả, hiệu quả công tác. Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ công chức, công vụ, đảm bảo các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được thực thi có hiệu quả trong cuộc sống.