Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín (người chỉ tay): “Làm không xong sẽ kỷ luật hết các ông”
Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ có tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỉ đồng, do Khu quản lý giao thông đô thị số 1 thuộc Sở GTVT làm chủ đầu tư.
Đây là công trình trọng điểm, cấp bách của TP.HCM. Yêu cầu bắt buộc là phải hoàn thành trước 30.4.2015 để chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, toàn bộ mặt đường Nguyễn Huệ đã bị rào chắn để thi công. Phía bên trong, công trường ngổn ngang. Việc này làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống, hoạt động buôn bán, kinh doanh của các hộ dân, nhà hàng, khách sạn ở 2 bên trục đường quan trọng nằm ngay giữa trung tâm TP.HCM.
Trực tiếp đi kiểm tra tại hiện trường, ông Nguyễn Hữu Tín tỏ ra rất sốt ruột vì một số hạng mục chưa đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Để đảm bảo hoàn thành đúng thời gian quy định, ông Tín đặt ra hàng loạt mốc thời gian cụ thể cho từng phân đoạn công trình.
Theo đó, yêu cầu trước 10.12.2014 phải hoàn chỉnh việc trồng 18 cây dầu (cao khoảng 15m, nặng khoảng 2 tấn/cây) hai bên đường Nguyễn Huệ, đoạn từ Lê Lợi đến Lê Thánh Tôn “chứ không được cãi nhau về cái chuyện đào lỗ nữa (giữa bên cây xanh và bên chủ đầu tư - PV)”. Đoạn đường Lê Thánh Tôn từ Đồng Khởi đến Pasteur (sát mặt tiền trụ sở HĐND, UBND thành phố) xong trước 31.12.2014. Trước tết Nguyến đán 2015 phải trả lại mặt đường giao thông 2 bên đường Nguyễn Huệ (phần sát nhà dân và mỗi bên rộng 10,5 m).
Đối với nhà ga Nhà hát thành phố (tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên), đoạn ngã tư Lê Lợi-Nguyễn Huệ thì Ban quản lý đường sắt đô thị phải trả lại mặt đường giao thông trước 15.12.2014 để xe cộ lưu thông bình thường và việc thi công được tổ chức ngầm bên dưới. Đến 20.4.2015 phải xong hết toàn bộ các hạng mục thi công để 25.4.2015 thành phố nghiệm thu toàn bộ công trình nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ.
“Làm không xong sẽ kỷ luật hết các ông”, ông Tín nghiêm túc cảnh báo Sở GTVT và các đơn vị trực thuộc.
Thi công nhà ga Nhà hát thành phố đoạn ngã tư Nguyễn Huệ-Lê Lợi
Công trường ngổn ngang sắt thép
Thi công hồ phun nước nghệ thuật trên đường Nguyễn Huệ, đoạn gần giao với ngã tư Mạc Thị Bưởi
Đoạn đường Nguyễn Huệ từ nút giao Mạc Thị Bưởi về phía Công viên Bạch Đằng
Khu vực đang thi công nằm ngay trước trụ sở UBND TP.HCM
Toàn bộ mặt đường Nguyễn Huệ bị rào chắn kín mít nên việc đi lại, kinh doanh, mua bán của người dân, du khách gặp khó khăn
“Chỉ cần gọi điện là tôi xử lý ngay”
Ông Tín lưu ý các đơn vị thi công “đừng chỉ biết lo việc của mấy ông không thôi là không ổn. Phải tính toán làm sao để sớm trả lại mặt đường giao thông cho người dân đi”.
Theo ông Tín, có những công đoạn phải tiến hành gấp rút vì việc thi công kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là các hộ dân, cơ sở kinh doanh trong khu vực trung tâm thành phố.
Ông Tín chỉ đạo: “Giám đốc Sở GTVT phải đi kiểm tra hằng tuần. Vướng việc gì thì phải xử lý ngay. Nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo ngay cho tôi. Chỉ cần gọi điện là tôi xử lý ngay thôi, chứ đừng có làm văn bản báo cáo mà kéo dài mất thời gian. Nếu Giám đốc GTVT làm không đúng sẽ phải chịu trách nhiệm và sẽ bị kỷ luật”.
UBND quận 1 có trách nhiệm lập lại trật tự lòng lề đường khu vực trung tâm sau khi công trình hoàn thành. “Làm đẹp rồi mà để lấn chiếm buôn bán hàng rong là chết, kỷ luật hết mấy ông”, ông Tín lưu ý.
“Làm ơn từ nay về sau đừng để tôi nghe tiếng cãi lộn (giữa các đơn vị liên quan tham gia thi công công trình vì chậm tiến độ rồi đổ lỗi cho nhau - PV) nữa”, ông Tín nhắn gửi thêm với lãnh đạo Sở GTVT về thái độ, trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ.
Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân ở khu vực trung tâm
Ông Nguyễn Hữu Tín cho biết khu vực trung tâm từ trục đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, chợ Bến Thành đến Lê Lợi, Đồng Khởi… được quy hoạch thành khu mua sắm của thành phố. Thành phố sẽ có phương án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân ở khu vực trung tâm để ưu tiên cho người đi bộ. Xung quanh khu vực trung tâm được bố trí các bãi đậu xe ở Công viên Bạch Đằng, Công viên 23/9, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Tao Đàn và sân Hoa Lư…
Ông Tín cho biết thêm thường trực UBND thành phố đã thống nhất chủ trương sẽ cấm đậu tàu bè trước Công viên Bạch Đằng. Theo đó, các bến bãi neo đậu tàu bè, trong đó có phục vụ du lịch sẽ phải di chuyển sang vị trí mới, đó là từ sau bến Nhà Rồng về phía Q.4 dọc theo sông Sài Gòn.
“Tạo cảnh quan đẹp là để người dân hưởng nên mấy ông (ý nói các công ty du lịch – PV) không được kéo đến đó để kinh doanh”, ông Tín khẳng định.