Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

10 năm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở Việt Nam: Những phát hiện và khuyến nghị từ cộng đồng

(08:05:30 AM 26/11/2014)
(Tin Môi Trường) - Sau gần 10 năm vận dụng vào thực tế, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng bộc lộ một số quy định không còn thích hợp hoặc không đáp ứng được yêu cầu đổi mới của đất nước; xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu tạo ra những thách thức và cơ hội mới cho ngành lâm nghiệp đòi hỏi phải bổ sung những quy định mới cho phù hợp.

 10 năm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở Việt Nam: Những phát hiện và khuyến nghị từ cộng đồng

 

* Những phát hiện hữu ích


Mạng lưới Đất rừng (FORLAND) đã nghiên cứu, đưa ra phát hiện và khuyến nghị từ cộng đồng và hộ gia đình sống ở vùng nông thôn và miền núi - những đối tượng được hưởng lợi nhưng cũng chịu tác động trực tiếp bởi Luật. Đây là những thông tin hữu ích cho việc điều chỉnh và bổ sung Luật nhằm cải thiện sinh kế người dân, quản lý bảo vệ và phát triển rừng ngày càng tốt hơn.


Thạc sĩ Lê Văn Lân, Điều phối viên FORLAND cho biết, các phát hiện này liên quan đến quy hoạch rừng, giao rừng, sử dụng và phát triển rừng, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình và cộng đồng, xử lý vi phạm pháp luật. Quy hoạch ba loại rừng chưa phù hợp với thực tế. Có sự chồng chéo giữa quy hoạch khoáng sản và lâm nghiệp trên cùng một vị trí, diện tích đất lâm nghiệp, giữa đất thổ cư gần rừng và đất lâm nghiệp, rừng sản xuất tại các lưu vực hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp và nước phục vụ sinh hoạt. Điều này dẫn đến việc lập bản đồ quy hoạch ba loại rừng không phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương. Thực tế khó thực hiện đầy đủ quy trình giao rừng cho toàn cộng đồng dân cư thôn. Giao rừng cho nhóm hộ khá phổ biến và có hiệu quả nhưng chưa được luật pháp công nhận. Giao rừng không gắn với giao đất cũng như quản lý rừng không gắn với quản lý đất, tạo ra kết quả là cộng đồng được giao rừng để quản lý bảo vệ là chủ yếu chứ khó có thể cải thiện sinh kế hoặc thêm thu nhập từ diện tích rừng được giao.


Cộng đồng là đối tượng được giao rừng nhưng không được Luật qui định là một chủ rừng nên không thể ngăn chặn, xử lý vi phạm các trường hợp khai thác lâm sản trái phép trong rừng được giao, ngược lại họ còn bị các đối tượng vi phạm đe dọa hành hung, ảnh hưởng đến tinh thần và niềm tin của người dân nhận rừng. Một số hộ gia đình không còn nhiệt tình với việc tuần tra bảo vệ rừng như trước. Quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng mang nặng tính hình thức, khó áp dụng. Có nhiều quy định chung chung và không phù hợp như cấm các hành vi dùng lửa trong rừng, không được tự ý khai thác gỗ để bán không theo kế hoạch được duyệt… Các quyền lợi của cộng đồng rất khó thực hiện vì thực tế đói tượng rừng phần lớn là nghèo kiệt.


*Khuyến nghị từ cộng đồng



Tiến sĩ Cao Thị Lý, thành viên FORLAND cho rằng, Luật nên quy định thêm quyền được tham gia của người dân cũng như có hướng dẫn người dân tham gia vào các hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng rừng ở vùng đệm các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Luật nên điều chỉnh khái niệm “cộng đồng dân cư thôn” thành “cộng đồng dân cư” để mở rộng cách hiểu về cộng đồng và có sự thống nhất chung khi thực hiện các thủ tục giao đất giao rừng cho cộng đồng.


Các quy định về giao đất giao rừng trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 cần được điều chỉnh cho phù hợp với Luật Đất đai sửa đổi 2013, nhằm khuyến khích cộng đồng vừa quản lý bảo vệ rừng vừa được sử dụng đất rừng một cách bền vững. Luật nên công nhận cộng đồng là chủ rừng nhằm đảm bảo tính pháp lý cho cộng đồng trong quản lý các diện tích rừng đã nhận, giúp cho việc xác định quyền làm chủ, cũng như các quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong vai trò là đối tượng được giao rừng, được hưởng lợi từ các dịch vụ do rừng mang lại.


Khi đã được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất thì Luật nên cho phép người dân được thêm quyền chuyển đổi một phần diện tích đất rừng trống, nhiều cây dây leo khó cải tạo thành rừng sang trồng rừng kinh tế hoặc sản xuất nông lâm kết hợp để giúp họ cải thiện sinh kế và tăng thêm nguồn thu đầu tư cho việc tái tạo lại rừng. Hầu hết diện tích rừng tự nhiên giao cho cộng đồng là rừng nghèo, nghèo kiệt, chính sách hưởng lợi từ rừng không có hoặc khó áp dụng nên cuộc sống của các cộng đồng dân cư được giao rừng vẫn rất khó khăn, bởi vậy Luật nên cho phép thể chế hóa các cơ chế hưởng lợi đã thử nghiệm thành công thành chính sách hưởng lợi riêng cho người dân tùy vào điều kiện ở từng địa phương khác nhau.


Luật cần bổ sung thêm những quy định nhằm tăng cường quyền của người dân trong xử lý các trường hợp vi phạm lâm luật đối với rừng được giao, như cho phép chủ rừng quyền được lập biên bản và tạm giữ tang vật vi phạm vì người dân không thể bắt hoặc giữ được người vi phạm. Cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể người dân cách xử lý đối với các trường hợp vi phạm lâm luật. Các bước thực hiện, nhất là kết quả xử lý vi phạm phải được công khai, minh bạch cho người dân, cũng như được hỗ trợ xứng đáng cho công sức vận chuyển tang vật từ rừng về giao nộp cho lực lượng Kiểm lâm.


Minh Nguyệt