Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ: IE
Ngân sách nhà nước (NSNN) là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thực thi các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. NSNN không chỉ quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước mà còn tác động trực tiếp đến việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam theo những định hướng đã đề ra. Do đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nói chung về lập, chấp hành, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, quyết toán và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực NSNN nói chung và Luật NSNN nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng.
Vì mục tiêu hỗ trợ phát triển cộng đồng và bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, đặc biệt là ở các khu vực đặc biệt khó khăn, người dân cần được tham khảo ý kiến về dự thảo Luật NSNN (sửa đổi), tổ chức Oxfam, với sự hỗ trợ của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khóa 13, đã cùng nhóm các tổ chức phát triển Việt Nam bao gồm Trung tâm Hành động Phát triển vì Cộng đồng (ACDC), Trung tâm Nâng cao Năng lực Cộng đồng (CECEM), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao Năng lực cho Phụ nữ (CEPEW), Nhóm hợp tác Thúc đẩy Quản trị và Cải cách Hành chính công (GPAR) tiến hành tham vấn với 1.147 người dân và 408 cán bộ chính quyền tại 5 tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Trị và Bà Rịa-Vũng Tàu. Nội dung tham vấn chủ yếu tập trung vào ba vấn đề lớn, bao gồm: i) thực hiện công khai, minh bạch; ii) trách nhiệm giải trình và iii) bảo đảm sự tham gia của người dân trong phân bổ ngân sách và quản lý, sử dụng ngân sách.
Bên cạnh đó, chúng tôi tiến hành khảo sát trên hai trang báo điện tử (vietnamnet và vnexpress). Chỉ trong 5 ngày đã nhận được kết quả như sau: 12.000 lượt ủng hộ cho việc phải công khai dự thảo dự toán NS ở tất cả các cấp (chiếm 95% tổng trả lời), 7.300 lượt ủng hộ công khai NS chi thường xuyên (ít nhất với hạng mục lớn, chiếm 96% tổng trả lời) và 8.600 lượt ủng hộ công khai danh mục nợ công (chiếm 96% tổng trả lời).
Chúng tôi trân trọng sự cởi mở và những nỗ lực của Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm định Luật trong việc tiếp thu ý kiến cộng đồng và đưa vào bản dự thảo Luật ngân sách, dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội bàn thảo ngày 25 tháng 11 năm 2014. Việc Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm định Luật tiếp tục cân nhắc và tiếp thu những kiến nghị về sự tham gia và giám sát của người dân sẽ góp phần giúp Luật ngân sách sau khi được thông qua đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao.
Một là, Luật cần làm rõ về đối tượng thực hiện công khai. Nội dung và phương thức công khai phải giúp người dân có thể hiểu được, biết được và tham gia được vào các quy trình ngân sách, đặc biệt là bảo đảm sự thuận tiện (dễ tiếp cận) và hiệu quả (không mất chi phí hoặc tốn kém về thời gian, công sức) trong việc tiếp cận thông tin công khai. Nội dung công khai NSNN gồm số liệu và báo cáo thuyết minh về dự thảo dự toán ngân sách, dự toán, chấp hành và quyết toán NSNN; nguồn thu ngân sách (đặc biệt nợ công); quy trình, thủ tục kê khai, thu, nộp, miễn giảm, gia hạn, hoàn lại các khoản thu; tạm ứng, cấp phát, thanh toán NSNN; báo cáo kết quả kiểm toán và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, kết luận thanh tra, kết luận kiểm tra của cơ quan thanh tra và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng bản “Ngân sách công dân” để đưa thông tin đến người dân một cách đơn giản và dễ hiểu, trong đó các khoản chi được giải trình theo kết quả đầu ra chứ không phải chỉ theo hạng mục chi. Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo và vận dụng thực tiễn tốt này trong thời gian tới.
Hai là, Luật ngân sách sửa đổi cần tiếp tục quy định cụ thể về quyền tham gia trực tiếp và gián tiếp của người dân trong phân bổ ngân sách; quy định trực tiếp lấy ý kiến của người dân ở cấp xã, phường, thị trấn thông qua các cuộc họp dân theo địa bàn điểm dân cư vào quá trình ngân sách xã; tham gia gián tiếp thông qua lấy ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác về định hướng và lĩnh vực ưu tiên trong phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm ở cấp huyện, tỉnh và trung ương.
Ba là, Luật cũng cần tiếp tục quy định rõ quyền tham gia giám sát của người dân trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quy định cụ thể về thẩm quyền, phương thức giám sát trực tiếp và gián tiếp. Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác tổ chức và hướng dẫn cho người dân, các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác tham gia vào quá trình giám sát việc chấp hành, quyết toán NSNN ở địa phương.
Đồng thời, luật cần tiếp tục quy định rõ về việc kiểm tra, thanh tra các đối tượng có liên quan trong việc thực hiện chế độ công khai NSNN, và về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được ý kiến giám sát của tổ chức, công dân. Đồng thời quy định rõ các hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ công khai NSNN và trách nhiệm giải trình.
Các tổ chức thực hiện tham vấn kính đề nghị các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng Luật ngân sách tiếp tục cân nhắc và tiếp thu ý kiến của người dân. Việc phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân trong Dự thảo Luật ngân sách sẽ là một trong các điều kiện để Luật ngân sách sau khi được thông qua sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong thực tiễn triển khai.