Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sự cố "sập" đài chỉ huy không lưu HCM: Do kíp trưởng thao tác sai

(10:35:59 AM 24/11/2014)
(Tin Môi Trường) - Sự cố mất điện tại Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh ngày 20-11 là do kíp trưởng trực điện nguồn thao tác sai, dù cảnh báo này đã được ghi rõ trên cả 3 bộ lưu điện UPS.

>>“Lật tẩy” vụ đài kiểm soát sân bay Tân Sơn Nhất mất điện

 

Sự cố "sập" đài chỉ huy không lưu HCM: Do kíp trưởng thao tác sai

Một góc sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Người Đô Thị

 

Ngày 23-11, Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã ký hàng loạt quyết định đình chỉ công tác đối với những cá nhân có liên quan trong sự cố kỹ thuật sập nguồn tại Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh (ACC HCM) ngày 20-11.

Các cá nhân vừa bị đình chỉ công tác gồm: ông Trần Công, Phó Giám đốc phụ trách Kỹ thuật Công ty Quản lý bay miền Nam; ông Lê Văn Tính, Trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật Công ty Quản lý bay miền Nam và ông Nguyễn Quốc Phú, Phó Trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, Công ty Quản lý bay miền Nam.

Thời gian tạm đình chỉ công tác là 15 ngày kể từ ngày ký quyết định để thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố mất điện tại ACC HCM và Cơ sở Kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (tháp chỉ huy trong sân bay).

Trước đó, ngay sau thời điểm xảy ra sự cố, Tổng giám đốc VATM đã đình chỉ ngay Kíp trưởng Lê Trí Tình và ông Phạm Văn Dũng, nhân viên kíp trực điện nguồn thuộc Đội bảo đảm môi trường kỹ thuật (Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật Công ty Quản lý bay miền Nam), để phục vụ việc điều tra sự cố.

Trao đổi chiều 23-11, ông Đoàn Trí Dũng, Trưởng ban Kỹ thuật VATM, cho biết đã có đủ thông tin xác định nguyên nhân sự cố là do Kíp trưởng thực hiện sai thao tác kỹ thuật. Theo quy định, nguồn điện cung cấp cho hệ thống điều hành không lưu gồm điện lưới và điện máy nổ đều phải dẫn qua thiết bị lưu điện UPS nhằm đảm bảo không bị ngắt điện đột ngột. Hệ thống UPS lại có 3 bộ đấu song song để dự phòng cho nhau. Quy trình kỹ thuật yêu cầu mỗi tuần phải chạy máy phát điện 2 ngày để kiểm tra và hôm 20-11 là thời điểm phải vận hành 2 chiếc máy phát điện thay cho điện lưới.

Khi chuyển sang điện máy phát, bộ phận kỹ thuật phát hiện 1 trong 3 UPS bị hỏng, phải cắt tải để khắc phục. Chiếc UPS này đã từng bị trục trặc tương tự vào các ngày 13 và 18-11 và đã được xử lý thành công. Tuy nhiên, ngày 20-11, kíp trưởng Lê Trí Tình thao tác sai nên đã gây sập hệ thống.

Cụ thể, trên cả 3 bộ UPS đã ghi rõ cảnh báo nguy hiểm: Nếu ấn nút cắt tải trong trường hợp đấu nối song song sẽ ngắt toàn bộ thiết bị ra khỏi hệ thống. Lệnh này phải đặc biệt cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi ấn nút, tránh gây mất điện đột ngột cho cả hệ thống. Do không nắm kỹ cảnh báo này, Kíp trưởng chưa thực hiện cô lập UPS hỏng đã nhấn nút ngắt tải nên 2 UPS còn lại cũng lập tức bị ngắt điện.

Đáng lưu ý là điện của hệ thống liên lạc và điện chiếu sáng được cấp trước UPS nhưng cũng bị mất cùng lúc cho dù điện lưới vẫn có. Nguyên nhân do điện chiếu sáng và điện liên lạc được đấu qua hệ thống chuyển mạch cũng bị ảnh hưởng từ các thiết bị UPS.

Để khắc phục, Kíp trưởng cố gắng đấu lại điện máy phát song lo ngại không an toàn cho hệ thống thiết bị không lưu nên vẫn cố gắng đấu lại qua 2 UPS không bị hỏng nên vẫn bị tự động ngắt ra.

Theo quy định, đi thao tác phải có 2 người để giám sát, kiểm tra chéo nhưng vì Kíp trưởng trực tiếp thực hiện nên nhân viên trực kỹ thuật điện không có ý kiến gì. Chỉ đến khi đấu nối nhiều lần không thành, bộ phận kỹ thuật mới quyết định đấu trực tiếp điện máy phát vào hệ thống thiết bị không lưu. Do đó, thời gian sập mạng bị kéo dài khoảng một tiếng rưỡi. Nếu làm đúng theo quy trình có thể chỉ cần 20 phút.

Vào thời điểm mất điện tại ACC HCM, trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) đang có 54 máy bay hoạt động, có 8 chuyến đã nằm trong vùng trời kiểm soát tiếp cận để chuẩn bị hạ cánh. Trong thời gian 1 giờ 35 phút, ACC HCM mất năng lực điều hành, có tới 92 máy bay bị ảnh hưởng, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất không còn khả năng tiếp thu các chuyến bay đến/đi và ảnh hưởng đến các chuyến bay bay qua vùng FIR Hồ Chí Minh.

Cục Hàng không Việt Nam đánh giá sập hệ thống điện tại ACC HCM là sự cố đặc biệt nghiêm trọng mang tính quốc tế và chưa từng có tiền lệ.

(Theo NLĐ)