Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Công an huyện Phúc Thọ: 'Khổ tâm vì không dẹp được cát tặc'

(08:33:29 AM 20/11/2014)
(Tin Môi Trường) - Chủ tịch UBND và Trưởng công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đều khẳng định đã làm hết trách nhiệm và không có chuyện chống lưng hay bảo kê cho việc khai thác cát trái phép trên địa bàn.

 Công an huyện Phúc Thọ: 'Khổ tâm vì không dẹp được cát tặc'

Lãnh đạo huyện Phúc Thọ cho rằng hoạt động khai thác cát trái phép thường diễn ra vào ngày nghỉ, lễ, ban đêm lại trên địa bàn sông nước nên khó phát hiện và xử lý (ảnh minh họa: Võ Hải)


Trao đổi tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 18/11, ông Nguyễn Xuân Trường (Trưởng công an huyện Phúc Thọ) thừa nhận có hiện tượng bảo kê, thu tiền các tàu đi qua địa bàn huyện Phúc Thọ của một nhóm người.


Lãnh đạo huyện Phúc Thọ cho rằng hoạt động khai thác cát trái phép thường diễn ra vào ngày nghỉ, lễ, ban đêm lại trên địa bàn sông nước nên khó phát hiện, xử lý. Ảnh minh họa: Võ Hải.

Theo ông Trường, kẻ cầm đầu nhóm bảo kê không trực tiếp lộ diện mà chỉ đạo tay chân thu tiền. Công an huyện Phúc Thọ đã lập hồ sơ để quản lý theo dõi từ năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa triệt phá được.

Trưởng công an Phúc Thọ giãi bày: “Chúng tôi ở dưới cơ sở rất bức xúc. Nhân dân phản ánh nhưng không làm được nên rất khổ tâm”.

Trả lời câu hỏi có hay không sự bảo kê, chống lưng của công an, cán bộ huyện, người đứng đầu ngành công an huyện Phúc Thọ khẳng định: “Trong lực lượng công an huyện và lãnh đạo huyện Phúc Thọ không có ai chống lưng cho hoạt động bảo kê khai thác cát trái phép trên địa bàn”.

Cùng chung quan điểm, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú tái khẳng định: “Chủ tịch và các Phó chủ tịch huyện không có chuyện chống lưng và bảo kê. Chúng tôi đã đi kiểm tra rất quyết liệt, phát hiện và xử phạt hành chính. Nên không có chuyện bảo kê”.

Lãnh đạo Phúc Thọ cho hay, khó khăn của huyện trong đấu tranh với nạn cát tặc, thứ nhất do địa giới hành chính. Địa bàn huyện Phúc Thọ giáp ranh huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) nên đã có lần lực lượng chức năng của huyện bắt giữ tàu khai thác cát thì họ nói đang khai thác trên địa phận Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, cũng vị trí ấy, khi lực lượng của Bộ Công an bắt giữ tàu hút cát vào ngày 8/11 thì huyện Yên Lạc lại khẳng định đó là địa phận của thành phố Hà Nội. Còn các đối tượng khai thác cát lợi dụng sự chồng chéo ấy để hoạt động.

Ngoài ra, ông Phú cho rằng, với lực lượng và trang thiết bị hiện có, nếu vụ bắt giữ lớn như ngày 8/11 giao huyện Phúc Thọ huyện cũng không làm được. “Lực lượng cảnh sát môi trường chưa được trang bị đầy đủ phương tiện tàu thuyền, ca nô, xuồng máy... Vì vậy khi phát hiện vi phạm không có điều kiện tiếp cận kịp thời để xử lý”, Chủ tịch huyện Phúc Thọ nêu.

Lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ kiến nghị thành phố phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc để thống nhất xác định mốc giới; tăng cường quân số, các trang thiết bị cho cảnh sát môi trường...

Trước đó ngày 8/11, gần 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc Cục Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự của Bộ Công an phối hợp với Công an thành phố Hà Nội bất ngờ bao vây, bắt giữ nhóm khai thác cát trái phép trên sông Hồng đoạn qua huyện Phúc Thọ, giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 16 tàu đang hút cát, 3 tàu cẩu, hơn 20 tàu chuyên chở phục vụ cho việc khai thác cát trộm và 30 người có liên quan. Theo ước tính ban đầu, mỗi ngày nhóm này khai thác 2.000 m3 cát dưới lòng sông Hồng, trị giá khoảng một tỷ đồng.

Võ Hải/VnExpress