Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
* Nguồn độc tiềm ẩn
Trong vai một người đi mua phế liệu, phóng viên đã tiếp cận một số cơ sở thu gom phế liệu tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc điểm chung của các cơ sở này là phế liệu được tập kết lại một chỗ và được phân loại bằng tay bởi các công nhân. Trang thiết bị bảo hộ của công nhân gần như không có gì trong khi lẫn trong đống phế liệu có những thứ cực kỳ độc hại như ắc quy chì, thùng phuy và bình nhựa chứa hóa chất, máy biến thế cỡ nhỏ,… Các cơ sở thu gom phế liệu này tập trung chủ yếu ở các quận Bình Tân, Tân Phú, quận 9 và một số huyện ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi.
Tiếp xúc với những nhân công được thuê để thu gom, phân loại phế liệu, phóng viên đều nhận được câu trả lời chung: Không biết PCB là gì và những thứ phế liệu nào có khả năng chứa PCB. Anh Ngô Văn Thời, làm công tại một xưởng phế liệu trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 cho biết, anh được trả công mỗi tháng 3,5 triệu, bao ăn trưa để phân loại phế liệu. “Biết làm phế liệu là độc nên tôi rửa tay sau khi làm xong hay trước khi ăn cơm trưa. Cái nào nặng mùi thì nín thở gỡ nó ra rồi để vào một khu riêng. Hôm nào làm thùng (phân loại thùng chứa hóa chất) mà bị ngứa thì chịu khó bôi dầu gió”- anh Thời nói.
Tại một xưởng phế liệu ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, phóng viên nhận thấy có một số máy biến thế cũ, ắc quy công nghiệp cũ được chất đống để mổ xẻ lấy sắt. Trên máy biến thế cũ, nhãn dán ghi số liệu kỹ thuật đã sờ rách, mờ bẩn nên không thể đọc được các thành phần hóa chất bên trong là gì. Tuy nhiên, đã có sự cảnh báo về việc các máy biến thế cũ được nhập về hơn 20 năm trước có chứa chất PCB đang trôi nổi trên thị trường sau khi hỏng hóc. Chưa kể còn các nguồn rò rỉ PCB ở hình thức khác đang nằm tản mát rất khó quản lý và kiểm định sau khi đã biến thành phế liệu.
Theo các nghiên cứu, PCB có thể gây ra các ảnh hưởng ngay (cấp tính) và ảnh hưởng lâu dài (mãn tính) đối với sức khỏe con người. Với trường hợp nhiễm độc PCB cấp tính thì cơ thể nổi mụn, cháy da và bỏng mắt. Với trường hợp nhiễm độc PCB mãn tính, chất độc này tồn tại lâu dài trong mô mỡ và tích lũy trong cơ thể có thể gây ung thư và hệ thần kinh, chỉ số IQ của trẻ em hay quá trình sinh sản của người lớn.
PCB được xếp vào nhóm chất độc có khả năng gây ung thư cao cho con người, khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, có khả năng di chuyển và phát tán xa và được hấp thụ dễ dàng vào cơ thể các sinh vật sống theo chuỗi thức ăn và truyền từ mẹ sang con. Có thể nói, PCB là một chất siêu độc chỉ kém chút ít so với dioxin (chất độc da cam).
Theo thống kê từ Hải quan, có hơn 3.000 container quá thời hạn làm thủ tục hồi cuối năm 2013, trong đó có nhiều container chứa rác thải công nghiệp nguy hại có khả năng chứa PCB. Ngoài ra, thông tin từ Tổng cục Môi trường cho thấy mỗi năm Việt Nam nhập 3 triệu tấn phế liệu (chưa kể riêng trong nước), tổng lượng chất thải rắn lên đến 28 triệu tấn mỗi năm. Chỉ 1% trong số đó có chứa PCB đã là một nguy cơ không nhỏ.
* Quản lý PCB vì sức khỏe cộng đồng
Tại một cuộc hội thảo liên quan đến PCB mới đây, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hoài, Quản đốc dự án Quản lý PCB tại Việt Nam cho biết, ông đã cảnh báo về sự độc hại của PCB từ năm 1995. Đến năm 2004, Việt Nam tham gia Công ước Stockholm về quản lý PCB và năm 2006 thì ra mắt Kế hoạch hành động quốc gia về vấn đề này. “Chúng ta có hội thảo, có đề xuất và kiểm tra dưới các hình thức nhận diện vật liệu, thiết bị căn cứ trên bảng hiệu, còn nếu mặt hàng trong danh sách nghi ngờ thì sẽ kiểm định. Không phải phế liệu nào cũng có PCB nhưng căn cứ theo thông tư 12/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại đã có quy định cụ thể. Người mua bán phải tuân thủ các quy định trong việc mua bán, xử lý hay tái chế các mặt hàng, vật liệu có chứa chất độc hại nói chung và PCB nói riêng”, ông Hoài cho biết.
Tài liệu của Cục Quản lý chất thải nguy hại - Tổng Cục Môi trường cho thấy cần xác định PCB ở dạng hàng hóa để theo dõi và khi hết hạn sử dụng để khoanh vùng lại. Với các thiết bị có dầu chứa PCB thì dầu sẽ bền, lâu thay thế để sử dụng 15-20 năm thì cần xác định thời hạn thanh lý để có hình thức phân loại phù hợp. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có các hoạt động tuyên truyền đến doanh nghiệp để họ hiểu và phòng tránh nhiễm độc, làm đúng quy trình về bảo hộ lao động hay vận hành thiết bị. Thường thì hoạt động này cần dán nhãn cảnh báo và quản lý tập trung cô lập, tuy nhiên, khâu khó nhất kiểm kê với nhiều loại máy có khả năng chứa PCB mà Việt Nam chưa đủ điều kiện để thực hiện đồng loạt.
Ông Vũ Xuân Trung, Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật và Bảo hộ lao động cho biết: Việc tuyên truyền về PCB không phải chỉ đến doanh nghiệp là đủ mà phải đến từng công nhân để họ nhận biết PCB là gì, cách phòng tránh ra sao. Theo ông Vũ Xuân Trung, muốn biết có nhiễm độc PCB không phải xét nghiệm máu và nước tiểu và vấn đề này đòi hỏi kỹ thuật cao hơn xét nghiệm máu và nước tiểu thông thường. Như vậy, kinh phí cũng sẽ tăng, nên chưa có đơn vị nào đặt ra vấn đề này. Ví dụ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khi cho tháo dỡ các trạm biến thế cũ thì các cách phòng tránh ra sao cũng phải tính đến cho công nhân, ngăn ngừa nguy cơ tràn PCB ra môi trường thế nào cũng phải nghĩ tới.
Theo tìm hiểu của phóng viên thì tại Việt Nam chỉ có một nơi duy nhất đủ điều kiện về giấy phép và kỹ thuật để xử lý chất độc PCB, Công ty Holcim Việt Nam. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xem xét những hồ sơ khác của các doanh nghiệp đề nghị đầu tư xử lý PCB và cơ quan chức năng đang rà soát các thủ tục để có thêm những cơ sở xử lý loại chất độc này.