Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Núi Đá Bia, Phú Yên -Ảnh: TL
1. Công lao mở cõi của vua Lê Thánh Tông
Núi Đá Bia gắn với một sự kiện lịch sử quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt vào thế kỷ XV, dưới triều đại nhà Lê. Đó là sự kiện vua Lê Thánh Tông thống lĩnh cuộc nam chinh đánh thành Đồ Bàn, mở rộng bờ cõi về phía Nam vào năm 1471. Sau chiến thắng tại Đồ Bàn, vua Lê Thánh Tông đã tổ chức cuộc hành quân vượt đèo Cù Mông tiến về phía Nam đến dãy núi Đại Lãnh, chọn lấy một ngọn núi cao và cho khắc chữ vào khối đá lớn trên đỉnh núi với mục đích phân định ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Sự việc này được ghi chép trong các sách sau: Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép:"Núi Thạch Bi ở Phú Yên là chỗ tiên triều phân định địa giới với Chiêm Thành, núi đến rất xa, tự đầu nguồn liên lạc đến bờ biển. Núi này cao hơn núi khác.Thánh Tông đánh được Chiêm Thành, lấy đất đặt xứ Quảng Nam, lập dòng dõi vua Chiêm Thành cũ, phong cho đất từ núi ấy trở về phía Tây, tạc đỉnh núi lập bia làm địa giới, xoay lưng về phía Bắc, mặt về phía Nam, lâu ngày dấu chữ đã mòn mất". (1)
Sách Hoàng Việt dư địa chí của Phan Huy Chú chép: “phủ hoài Nhân nằm về phía Nam Quảng Nam, phía Tây tiếp Ai Lao, Nam giáp bờ biển Chiêm Thành, tiền triệu đã dựng bia đá trên núi làm giới hạn. Núi non từ rất xa kéo dài đến tận bờ biển, núi Đá Bia là ngọn núi cao nhất trong dãy núi đó. Khi vua Thánh Tông đi bình Chiêm, ngài cho mài đá núi làm bia để làm ranh giới, rồi phong cho người cháu của vương quốc cũ này lấy núi ấy làm ranh giới phía Tây và gọi nước ấy là nước Nam Bàn".(2)
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sứ quán triều Nguyễn chép: "...Xét sách Thuỷ lục trình chí của Trần Công Hiến có đoạn chép: Núi này có một chi chạy đến biển, chia hai dòng nước, cỏ cây cũng phân rẽ, có một khối đá lớn quay đầu về phía Đông như hình người. Ngày trước vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành qua núi này, bùi ngùi than thở rằng: Từ lúc trời đất khai tịch đã phân ranh giới, kẻ kia vì nghịch đạo trời nên phải chịu họa trời. Nhân đó vua sai khắc chữ lên trên đá để từ đây phân định ranh giới..." (3 )
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc Sử quán triều Nguyễn chép: "Núi Đá Bia ở phía Đông huyện Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Thế núi tròn và nhọn, đá đỉnh núi đứng sững, sắc đen. Tương truyền Thánh Tông nhà Lê vào Nam đánh Chiêm Thành, mở đất đến đây. Trên vách đá cheo leo ở đỉnh núi, nhà vua sai mài sườn núi khắc chữ vào đá để làm chỗ chia giới mốc với Chiêm Thành...” (4).
Sách Phương đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu viết: "...Phụ xét núi Thạch Bi ở huyện Tuy Hoà, trong Địa dư chí của Lê Quang Định chép: Tục truyền vua Lê Thánh Tông đánh nước Chiêm mở đất đến đấy, ở trên đỉnh núi mài đá khắc bia làm chỗ chia bờ cõi với nước Chiêm cho nên gọi là núi Thạch Bi. Hiện nay vết chữ đã mòn không thể nhận được...".(5)
Sách Xứ Đàng Trong của Phan Khoang viết: “Tương truyền rằng vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, mở đất đến biên giới thuộc địa phận hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà ngày nay, sai đục đá ở đỉnh núi cao nhất trên bờ biển ở đây để dựng bia phân định địa giới của ta và của Chiêm, núi ấy sau gọi là núi Thạch Bi. Bia ấy hiện còn, nhưng vết chữ đã mòn, không thể nhận được... ".(6)
Sách Địa dư tỉnh Phú Yên viết: "Bi Sơn là hòn núi cao ở dãy đèo Cả doi ra biển làm giới hạn cho tỉnh Phú Yên - Khánh Hoà...Hòn núi này đứng xa trông lên như tấm bia dựng, nên gọi là Bi Sơn. Sử ta có chép vua Lê Thánh Tông đời Lê đánh Chiêm Thành, lấy núi này làm giới hạn, có khắc bia Hồng Đức. Song bia khắc ở đâu chứ hòn bia cao tột trên mây, doi ra ngoài biển kia chỉ là hòn núi thiên nhiên...".(7)
Về nội dung văn bia, các tài liệu có sự giải chép khác nhau, tựu chung có ba nội dung như sau: “Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong, An Nam quá thử, tướng tru binh chiết” nghĩa là "Chiêm Thành vượt qua nơi này, binh thua nước mất, An Nam vượt qua nơi này, tướng chết quân tan"; hoặc "Dĩ Nam Chiêm Thành, dĩ Bắc dân triều mệnh Việt Nam" nghĩa là “Từ đây về Nam là Chiêm Thành, từ đây về Bắc dân chịu mệnh Việt Nam"; cũng có tài liệu nói rằng văn bia chỉ là hai chữ "Hồng Đức”, là niên hiệu của vua Lê Thánh Tông.
Núi Đá Bia nhìn từ xa - Ảnh:TL
2. Ước vọng về ngôi đền thờ vua Lê Thánh Tông trên núi Đá Bia
Danh thắng quốc gia núi Đá Bia - ngọn núi tên tuổi vào bậc nhất của tỉnh Phú Yên và là một trong ba biểu tượng của xứ đàng Trong. Trải qua thời gian năm tháng, núi Đá Bia đã in sâu trong tâm thức bao thế hệ người dân đất Phú. Đá Bia sừng sững giữa gió núi, mây ngàn là chứng tích biết bao sự kiện bi hùng của vùng đất một thời mở đất, dựng nước và giữ nước. Trong tiến trình mở đất về phương Nam, núi Đá Bia có một dấu ấn lịch sử rất lớn, từng đóng vai trò phân ranh giới giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành.
Năm 1836, vua Minh Mạng cho thể hiện biểu tượng núi Đại Lãnh (bao gồm cả núi Đá Bia) vào Tuyên Đỉnh, một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong Đại nội kinh thành Huế. Năm 1840, triều Nguyễn qui định lệ tế thần danh sơn đại xuyên (thần núi cao sông lớn) trong nước, cho phép các địa phương lập đàn tế hàng năm và qui định phẩm vật cúng tế, núi Đại Lãnh và sông Đà Diễn (sông Ba hay còn gọi là sông Đà Rằng) ở Phú Yên lễ vật gồm một con trâu và một con lợn. Năm 1853, núi Đại Lãnh được liệt kê vào tự điển thờ cúng. Đá Bia ngọn núi thiêng đã in dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của người dân Phú Yên. Trong đó truyền thuyết về công lao của vua Lê Thánh Tông gắn với Đá Bia là biểu tượng văn hóa sâu đậm trong tâm hồn của người dân đất Phú.
Truyền thuyết về bài thơ của vua Lê Thánh Tông gắn với sự tích núi Đá Bia được lưu truyền trong dân gian có ý nghĩa tôn vinh và thể hiện lòng tri ân của hậu thế đối với công trạng của bậc tiền nhân mà đặc biệt là vua Lê Thánh Tông, trong thời kỳ đầu mở đất về phương Nam. Ở Phú Yên đã có một số trường học mang tên vị vua tài trí văn võ song toàn Lê Thánh Tông. Tại thành phố Tuy Hòa, đường Lê Thánh Tôn “sánh vai” cùng với đường Trần Hưng Đạo, đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ tạo nên diện mạo mới của một đô thị trẻ năng động, phát triển. Phú Yên còn có đền thờ vua Lê Thánh Tông, xây dựng tại thôn Long Uyên, xã An Dân, huyện Tuy An, nguyên là trung tâm thủ phủ của Phú Yên ở thế kỷ XIX. Tuy nhiên ngôi đền này hiện tại đã bị đổ nát, chỉ còn lại những mảng tường bằng gạch, đá và bức bình phong ở phía trước.
Để tỏ lòng tri ân tưởng nhớ đối với vua Lê Thánh Tông, vị vua anh minh có công lao to lớn đối với lịch sử dân tộc và ghi dấu ấn đậm nét trên vùng đất Phú Yên. Thiết nghĩ rất cần xây dựng một ngôi đền thờ vua Lê Thánh Tông uy nghi, xứng tầm tại núi Đá Bia để nhân dân ngưỡng vọng, tri ân Ông. Đây cũng chính là nếp sống văn hóa truyền thống có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
...........................................................
Chú thích:
(1 ) Lê Quí Đôn toàn tập, tập 1, Phủ biên tạp lục, Nxb KHXH, Hà Nội năm 1977, tr 121
(2) Phan Huy Chú, Hoàng Việt dư địa chí, Nxb Thuận Hóa, năm 1997, tr 17
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Nxb Thuận Hóa, năm 1997, tr 68
(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định việt sử thông giám cương mục, tập 2, Nxb Giáo Dục, 1998, tr 690-691
(5) Nguyễn Văn Siêu, Phương đình dư địa chí, Sài Gòn, năm 1960, tr.132
(6) Phan Khoang, Xứ Đàng Trong, Sài Gòn, 1967, tr.107-108
(7) Nguyễn Đình Cầm,Trần sĩ, Địa dư tỉnh Phú Yên, Quy Nhơn, 1937, tr.37
Lê Thánh Tông (1442-1497) là vị Hoàng đế thứ năm của Nhà Hậu Lê (tính cả Lê Bang Cơ và Lạng Sơn Vương Lê nghi Dân) trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1460 đến 1497. Ông tên thật là Lê Tư Thành, còn có tên khác là Lê Hạo. Ông nổi tiếng là vị minh quân, là người đã đưa Đại Việt lên tới thời hoàng kim của chế độ phong kiến. Ông cũng được xem là nhà văn hóa lớn và là một người coi trọng hiền tài. Trong lúc trị vì, Lê Thánh Tông đã đề xuất nhiều cải cách trong hệ thống quân sự, hành chính, kinh tế, giáo dục và luật pháp. Bộ Quốc triều hình luật của nhà Hậu Lê đã được hoàn thiện trong thời Lê Thánh Tông nên còn được gọi là luật Hồng Đức. Với bộ luật này, Đại Việt đã hình thành một nhà nước pháp quyền sơ khởi và thuộc loại sớm nhất trên thế giới. Ngoài ra ông đã có công trong việc mở mang bờ cõi quốc gia Đại Việt về phương Nam.