Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Giao diện của một ứng dụng trên hệ điều hành Android
Cuộc chiến chưa có hồi kết
Sự phát triển mạnh mẽ của các hệ điều hành di động được đánh giá là một trong những xu hướng quan trọng nhất của diện mạo công nghệ 2010. Thị trường điện thoại thông minh (smartphone) ngày càng sôi động thì hệ điều hành cũng trở thành một thị trường ngày càng nóng bỏng hơn với sự tham gia của nhiều hãng.
Cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt khi mà bên cạnh các hệ điều hành đã khẳng định được chỗ đứng như iOS của Apple, Symbian của Nokia, Windows mobile của Microsoft, RIM của BlackBerry là hàng loạt những hệ điều hành vừa mới hoặc sắp sửa ra mắt, trong số đó phải kể đến Android của Google, MeeGo của Intel và Nokia, Bada của Samsung.
Cục diện giữa các hệ điều hành trong nửa đầu năm 2010 cho thấy: Hệ điều hành iPhone (iOS) của Apple tiếp tục bành trướng trên thị trường điện thoại thông minh smartphone, và Google Android đang “tăng tốc”, đứng thứ 2 trên thị trường. Trong khi đó, Rim của BlackBerry đang dần tụt hạng do thiếu “cởi mở” với các ứng dụng mới.
Tại Việt Nam, cùng với lượng iPhone được tiêu thụ nhanh và chiếm thị phần ngày càng cao hơn trong dòng máy điện thoại thông minh thì hệ điều hành iPhone đang được các nhà viết ứng dụng ưu tiên hàng đầu. Một vị trí vững vàng trong cuộc chiến hệ điều hành vẫn được dành cho Symbian lượng lớn các điện thoại Symbian đang tồn tại trên thị trường ở nhiều phân khúc khác nhau.
Nhiều hy vọng về gương mặt mới của hệ điều hành di động tương lai đang được gửi gắm cho Android do một số ưu điểm đáng kể như tính linh động, áp đảo về số lượng và chủng loại, có công cụ để phát triển ứng dụng và tập trung nhiều vào người dùng…
Nhưng hiện tại, Android đang đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt của những hệ điều hành mới ra đời đang được đầu tư và quảng bá rộng rãi như Bada của Samsung. Vì thế, thật khó đoán định cuộc chiến di động sẽ chứng kiến sự lên ngôi ngoạn mục của hệ điều hành nào.
Nhà mạng thu lợi !
Quá nhiều kỳ vọng, quá nhiều ý kiến phân tích đã làm thị trường di động toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết mỗi khi có một hệ điều hành mới tham chiến. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra: ai sẽ là người thu lợi trong cuộc chiến giữa các hệ điều hành di động?
Việt Nam là mảnh đất màu mỡ với cơ hội khai thác khá đồng đều cho tất cả các hệ điều hành, bất chấp thị phần hiện tại có sự chênh lệch nhất định. Chính vì thế, sự xuất hiện của các hệ điều hành mới mang tính “mở” hơn không chỉ là niềm hy vọng của các nhà sản xuất điện thoại mà còn là thời cơ cho các doanh nghiệp viết ứng dụng di động, là lợi ích của cả cộng đồng người dùng. Vậy nhà sản xuất, doanh nghiệp viết ứng dụng, hay người dùng sẽ là đối tượng hưởng lợi lớn nhất?
Đáng tiếc, ngư ông đắc lợi trong cuộc chiến hệ điều hành tại Việt Nam lại không phải những gương mặt đang hăm hở kể trên. Quả ngọt lại thuộc về một đối tượng khá “âm thầm” nhưng đầy quyền lực: các “đại gia” nhà mạng!
Ông Tuấn Ngọc, admin của diễn đàn điện thoại di động GSM.VN – một trong những diễn đàn đã chứng kiến sự xuất hiện lần lượt của các hệ điều hành di động tại Việt Nam đánh giá: Ngoài Apple với hệ điều hành iOS đặc trưng có thể giúp cả hàng di động và doanh nghiệp đều thu lợi từ việc phát triển ứng dụng thì các các ứng dụng được viết ra trên các hệ điều hành khác, muốn sống được đều phải qua nhà mạng. “Quyền sinh sát” trong cả phương thức thanh toán và vận chuyển hàng hóa trong lĩnh vực phát triển nội dung số trên di động tại Việt Nam đều nằm trong tay các nhà mạng. Chính vì vậy, các nhà mạng dường như đứng sau cuộc chiến nhưng chính là thế lực thu về món lợi khổng lồ.
Một số những ví dụ như: phần mềm game online trên di động (Nam quốc sơn hà), phần mềm giải trí trực tuyến trên di động (Socbay iMedia) hay các phần mềm Chat (Sb Chat, Vichat, Vitalk, Ola), phần mềm đọc tin tức… hiện tại ở Việt Nam đều phải bán thông qua tin nhắn đầu số hoặc các kho ứng dụng (Mstore, App store, Ovi…).
Chưa kể, Việt Nam nổi tiếng là quốc gia hàng đầu thế giới có tỷ lệ phân chia doanh thu chênh lệch quá cao giữa nhà mạng và các đơn vị phát triển phần mềm. Chính sách thu tiền quá đắt đỏ mà các nhà mạng hiện đang thi hành đang là trở ngại lớn mà các hệ điều hành di động cần tính cách giải quyết nếu muốn có ưu thế đột phá để phát triển.