Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Kêu gọi cộng đồng thực hiện văn hóa giao thông Tin ảnh

(11:46:41 AM 14/11/2014)
(Tin Môi Trường) - NSƯT Thành Lộc vừa kêu gọi mọi người hãy giúp anh thực hiện một dự án về cộng đồng trên trang cá nhân. Lời “hiệu triệu” của anh được nhiều bạn trẻ ủng hộ.

Kêu gọi cộng đồng thực hiện văn hóa giao thông
NSƯT Thành Lộc trò chuyện cùng các tình nguyện viên của Commit Việt Nam trưa 13-11 về việc tuyên truyền mọi người chấp hành Luật giao thông - Ảnh: Quang Định


Thành Lộc viết: “Mình đang có một dự án hoạt động cộng đồng thiện nguyện, nghĩa là LÀM KHÔNG CÓ THÙ LAO cùng với UNESCO - CEP VN. Đây là một dự án văn hóa, mang tính giáo dục công dân về văn hóa công cộng, vì một VN văn minh trong tương lai không còn phải xấu hổ trong mắt người nước ngoài. Bạn có bao giờ xấu hổ mình là người VN?

Bạn có bao giờ che giấu với bạn bè quốc tế mình là người VN? Bạn có bao giờ nghe người nước ngoài nhận định thật tồi tệ về người VN? Vậy chúng ta cần phải làm gì? Im lặng và chấp nhận? Hãy làm từ những việc nhỏ nhất!”.

Huỳnh Phan Anh Sa, một “7X đời cuối” phụ trách chương trình, cho biết đây là hoạt động của UNESCO - CEP VN (CEP là viết tắt chữ Culture - văn hóa, Education - giáo dục và Popular - phổ thông) ra đời ngày 25-10 nhằm kêu gọi người dân VN hành động và nâng cao ý thức về giao thông, môi trường, văn hóa công cộng... trong từng năm.

Năm nay, mục tiêu của chương trình tập trung vào văn hóa giao thông.

“Chúng tôi muốn kêu gọi người dân, nhưng sẽ là hình thức cam kết chứ không phải giáo dục giáo điều. Chúng tôi mời mọi người đăng ký cam kết thực hiện văn hóa giao thông trên trang web www.commitvietnam.com và sẽ cùng mọi người theo dõi hành vi giao thông của mình bằng thư trao đổi qua email định kỳ hằng tuần”.

Huỳnh Phan Anh Sa và những bạn trẻ tình nguyện trong nhóm của mình tin rằng kêu gọi ý thức và hành động từ mỗi công dân là hình thức tốt nhất. Giải thích về vấn đề không thù lao, Sa cho biết từ lâu UNESCO đã không còn cung cấp những nguồn hỗ trợ cho UNESCO VN.

“Nguồn lực của chúng tôi chỉ là tên gọi UNESCO - CEP VN và những bạn trẻ 8X, 9X tình nguyện” - Sa nói. Thế nhưng, điều đó cũng không hề làm giảm nhiệt huyết những người trẻ suy nghĩ rằng họ có thể cải thiện môi trường sống, văn hóa công cộng...

Sa bày tỏ: “Chúng tôi thấy từ trước đến nay mọi người đều nhận ra sự nguy hiểm của các con số tai nạn giao thông, nỗi xấu hổ về văn hóa công cộng... Mọi người đã lên tiếng về điều đó, nhưng chúng ta hãy cùng hành động. Chúng ta phải là những người sẽ thay đổi điều đó, bởi vì chúng ta không là người ngoài cuộc”.

Những suy nghĩ này được NSƯT Thành Lộc chia sẻ khi anh tự nhận rằng mỗi khi nghĩ đến những văn hóa ứng xử chưa tốt trong môi trường sống hiện nay, anh bị ám ảnh như một “kẻ tâm thần ngớ ngẩn!”.

“Đôi khi chúng ta cũng cần tự tát vào gương mặt mình để tỉnh. Tôi nghĩ chúng ta cần có những cái tát như vậy trong văn hóa!” - Thành Lộc cho biết.

Thành Lộc kể lại cách đây 10 năm, anh có làm một chương trình truyền hình hướng dẫn trẻ em về an toàn giao thông. Nhưng rồi chương trình được chuyển lên phát lúc 7g sáng, là giờ trẻ em đi học, giờ vàng được dành cho một chương trình “có doanh thu” khác.

Ngoài Thành Lộc, chương trình còn có những nghệ sĩ khác cùng tham gia làm đại sứ thiện chí như diễn viên Trương Ngọc Ánh, Hồng Ánh, Diễm My 9X, Thanh Duy, Quý Bình, ca sĩ Uyên Linh, nhạc sĩ Huy Tuấn, Dương Khắc Linh...

“Nghệ sĩ là người thọ ơn vùng đất mà mình đã được ươm trồng, dưỡng nuôi, hưởng lợi tức... Nay không vì mảnh đất ấy có chút cằn cỗi mà mình ngoảnh mặt đi. Đôi lúc chúng ta cảm thấy có nhiều điều đáng than phiền, cảm thấy cô đơn trong môi trường ta sống. Nhưng cũng không thể phê phán, bình phẩm... rồi bỏ đó.

Mỗi người hãy cùng xắn tay áo lên làm gì đó để thay đổi!” - Thành Lộc nồng nhiệt chia sẻ về trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng.


Kêu gọi cộng đồng thực hiện văn hóa giao thông

NSƯT Thành Lộc: “Tương lai của VN là của các bạn trẻ, hãy bắt đầu từ những việc đơn giản nhất là chấp hành Luật giao thông”. Trong ảnh: NSƯT Thành Lộc cùng các tình nguyện viên của Commit Việt Nam ngày 13-11 - Ảnh: Q.Định


Hướng tới 1 triệu người cam kết không vi phạm Luật giao thông

Chương trình Cam kết vì một VN tốt đẹp hơn của UNESCO - CEP VN hướng đến ba mục tiêu là văn hóa giao thông, ý thức bảo vệ môi trường, văn hóa công cộng... Năm đầu tiên, chương trình chọn TP.HCM để phát động kêu gọi về văn hóa giao thông.

Trên trang web www.commitvietnam.com có bảy yêu cầu cam kết gửi đến người tham gia không thực hiện những hành vi sau đây: đi sai làn đường, bấm còi xe liên tục, chen lấn khi tắc đường, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, leo lề, lái xe sau khi uống rượu bia.

Hằng tuần, chương trình sẽ gửi email để giúp người tham gia kiểm tra hành vi giao thông của mình. Sau ba tháng, chương trình sẽ tổng kết một lần để đưa ra những hoạt động tiếp theo.

Tính đến ngày 13-11 đã có hơn 700 người cam kết tham gia. UNESCO - CEP thông báo chương trình sẽ dừng lại khi đạt được 1 triệu người cam kết.

 

Kêu gọi cộng đồng thực hiện văn hóa giao thông
Ảnh chụp từ website commitvietnam.com

* Nhạc sĩ HUY TUẤN: Tôi có cơ hội để nhắc nhở chính mình


Kêu gọi cộng đồng thực hiện văn hóa giao thông

Nhạc sĩ Huy Tuấn - Ảnh: Q.Định


Nói thật, tôi tham gia dự án này là vì tôi cảm thấy mình chưa phải là người có ý thức cao trong văn hóa giao thông. Vì vậy, tôi muốn tham gia để kêu gọi mọi người cũng như để răn đe lại chính mình và để chúng ta cùng nhau thay đổi.

Ý thức về giao thông nói riêng và ý thức ứng xử với môi trường và hành vi nơi công cộng nói chung ở VN hiện vẫn còn rất thấp.

Hãy suy ra từ câu chuyện của tôi, khi mới về nước sau nhiều năm ở nước ngoài, tôi luôn bất an khi tham gia giao thông vì vô số sự bàng quan về tính mạng cũng như sự coi thường Luật giao thông.

Sau vài năm tôi quen dần với những việc đó và thậm chí có lúc thấy những sự chen lấn làn đường, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, không cài dây bảo hiểm khi tham gia giao thông là chuyện bình thường.

Khi đi xe máy tôi cũng tư duy cứ còn chỗ trống là... leo lên vỉa hè. Và đấy cũng là lúc tôi giật mình và thấy mình đang sống trong một môi trường mà ở đó những sự ứng xử bất thường diễn ra hằng ngày tới mức nó đã trở nên bình thường.

Tôi vui vì với dự án này, tôi có cơ hội để nhắc nhở chính mình, những người thân của mình và cộng đồng xung quanh.

Chúng ta hãy từng bước ý thức lại hành vi của chúng ta nơi công cộng, bởi nếu không bắt đầu từ bây giờ, chúng ta sẽ còn phải nhận lại những hậu quả khủng khiếp do chính sự kém ý thức của mình gây ra.


* Nhạc sĩ DƯƠNG KHẮC LINH:
Thói quen xấu gây nhiều tai họa

 

 

Kêu gọi cộng đồng thực hiện văn hóa giao thông

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh - Ảnh: Gia Tiến


Khi mới về nước vào cuối năm 2007, tôi thật sự sửng sốt bởi sự hỗn loạn trong giao thông ở VN. Dần dà tôi cũng nhận ra được những lý do khiến người ta phóng nhanh vượt ẩu, bóp kèn loạn xạ, leo lề, không đội mũ bảo hiểm...

Và cuối cùng, điều đọng lại trong tôi nhiều nhất chính là sự nóng nảy khi tham gia giao thông của đại đa số người dân VN. Nó không phải là bản tính người đó nóng nảy mà vì thói quen.

Mọi người hãy bình tĩnh nghĩ lại những hành động chạy ẩu, chen lấn, bóp còi để giành quyền chạy trước... liệu sẽ giúp chúng ta đến nơi cần đến nhanh hơn bao lâu? Chỉ vì nhanh hơn một vài phút mà gây nguy hiểm đến tính mạng cho người khác hay có khi cho cả chính mình thì có đáng không? Câu trả lời là không.

Chúng tôi sẽ tham gia chiến dịch bằng cam kết tuân thủ Luật giao thông một cách nghiêm túc, chia sẻ những thông tin về chiến dịch trên trang cá nhân hay phương tiện truyền thông đại chúng, cùng nhau gặp mặt (offline) với các bạn trẻ trong nay mai.

Riêng tôi cũng sẽ có những sáng tác cho chiến dịch này và trình làng trong đêm Gala vào tháng 1-2015.

* Diễn viên HỒNG ÁNH: Mong muốn giảm thiểu số người chết

 

Kêu gọi cộng đồng thực hiện văn hóa giao thông
Diễn Viên Hồng Ánh - Ảnh: P.Quang


Với chiến dịch này, cho dù được mời với vai trò gì thì tôi cũng tham gia.

Tôi nghĩ nhiều người có ý thức về giao thông nhưng ý thức đó vẫn chưa thành thói quen.

Nhân cơ hội này, tôi cũng cố gắng chuyển ý thức của mình thành thói quen tốt trong giao thông, môi trường, văn hóa công cộng... bằng một vài việc nhỏ thôi, như: luôn mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân, giấy phép lái xe, bảo hiểm... khi ra đường; không leo lề, dừng đúng vạch, đi đúng làn đường, không vượt đèn đỏ, tắt máy khi thời gian dừng đèn đỏ lâu hơn 20 giây, chạy với tốc độ khoảng 30 km/giờ ở những khu dân cư...

Tôi sẽ chia sẻ những hình ảnh đẹp, những clip thú vị, những bức xúc về văn hóa giao thông trên trang cá nhân và các phương tiện truyền thông khác trong thời gian tới với hi vọng mọi người chú ý hơn đến những ứng xử trên đường của mình.

Mong muốn lớn nhất của tất cả chúng tôi trong dự án này là giảm thiểu số người chết vì tai nạn giao thông ở VN. 

Theo TTO