Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đắk Lắk: Sớm khắc phục sự cố ngập nước sâu ảnh hưởng đến cây Thông nước quý hiếm

(08:17:50 AM 14/11/2014)
(Tin Môi Trường) - Cây Thông nước hay còn gọi là Thủy tùng là loài cây có tên trong danh sách đỏ, trên thế giới và Việt Nam chỉ còn 2 quần thể tự nhiên ở thôn Trấp K’sor, huyện (Krông Năng) và xã Ea Ral, huyện (Ea Hleo) tỉnh Đắk Lắk. Thế nhưng, hiện nay quần thể Thông nước thôn Trấp K’sor bị ngập sâu, có nguy cơ chết cao.

 Đắk Lắk: Cần sớm khắc phục sự cố ngập nước sâu ảnh hưởng đến loài cây Thông nước quý hiếm

Thông nước là loài cây cổ thuộc nhóm thực vật rừng quý hiếm


Theo cán bộ Ban quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước (Đắk Lắk), cây Thông nước hiện chỉ còn 162 cây phân bố rải rác ở hai quần thể tự nhiên Trấp K’sor (Krông Năng) và Ea Ral (Ea H’leo). Riêng tại quần thể Trấp K’sor có 21 cây, cây bé nhất có đường kính 30 cm, cây lớn nhất từ 3 - 4 người ôm. Năm 2012, tỉnh Đắk Lắk có chủ trương xây dựng một con đập có chiều dài 300m tại khu sình lầy để giữ nước cho cây Thủy tùng sinh trưởng, phát triển và nước tưới phục vụ sản xuất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở đây. Do khi thiết kế xây dựng đập, nhà thầu không tính đến lưu lượng nước và các biện pháp xả nước nên một thời gian dài mực nước trong vùng sình lầy luôn ở mức rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của cây. Thông nước là loài cây có rễ khí sinh không bị ngập, phát sinh từ rễ bên, cao 30 cm, mọc lan xa cách gốc tới 6–7 m. Trong khi mực nước tại khu sình lầy Trấp K’sor luôn cao từ 80 đến 90 cm, đặc biệt vào mùa mưa, mực nước cao hơn 1m. Mực nước quá cao không chỉ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của loài Thủy tùng mà khiến cho công tác tuần tra, bảo vệ loài cây quý này cũng gặp nhiều khó khăn. Anh Trịnh Duy Hải, cán bộ Ban quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước Đắk Lắk (trạm Trấp K’sor) cho biết: Mỗi đêm, anh em thay nhau đi tuần từ 2 đến 3 ca. Lội sình lầy, nước sâu đến ngang bụng khoảng 2 tiếng thì mới đi hết tất cả các cây. Nhiều hôm trời mưa to mực nước lên cao thì không thể vào sâu bên trong được.

Theo ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước Đắk Lắk, cây Thông nước tại khu vực trạm Trấp K’sor đang được bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, gần đây do ngập nước sâu nên loài cây này đang có hiện tượng vàng lá, rụng lá, một số cây đã chết khô. Hiện 84 cây Thông nước ghép được Ban quản lý phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên trồng thử nghiệm tại trạm Trấp K’sor đã chết do đập nước dâng cao, ngập hết các bộ phận của cây.

Ông Vũ Hồng Việt, một người dân địa phương được giao chăm sóc bảo vệ 2 cây Thông nước phân tán trong quần thể Thông nước Trấp K’sor cho biết, cây Thông nước gia đình tôi trông coi sinh trưởng, phát triển tốt trong môi trường nước vừa đủ, có tầng thảm mục dày tích tụ. Đặc biệt, hiện 2 cây Thông nước giao cho gia đình ông Việt bảo vệ, phát hiện khá nhiều cây non được sinh sản bằng hình thức tái sinh chồi trên các rễ thở bị thương của cây mẹ. Các cây non đều có chất lượng tốt, bộ rễ khỏe.

Thông nước là loài cây gỗ lớn có thể cao đến 25m, đường kính thân trên 1,3m, thuộc nhóm gỗ 1A đặc biệt quý hiếm. Loài cây này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, mà còn có giá trị kinh tế do gỗ có mùi thơm, không bị cong vênh, mối mọt; có hoa vân, màu sắc rất đẹp được ưa dùng để làm các đồ thủ công mỹ nghệ, làm các vật dụng trong gia đình, nên suốt một thời gian dài, loài cây này đã bị tàn phá rồi bị săn lùng đến cạn kiệt.

Cây Thông nước tại quần thể tự nhiên Trấp K'sor hiện được đánh số thứ tự, bảng tên, khoanh vùng, cấm người dân vào rừng khai thác. Ban quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước Đắk Lắk thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc sống gần khu bảo tồn thực hiện công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy, phòng chống phá rừng. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bảo tồn còn thiếu thốn, khiến cho công tác bảo vệ loài cây quý này gặp nhiều khó khăn.

Tỉnh Đắk Lắk và các ngành có liên quan cần sớm có biện pháp để bảo vệ, nhân rộng cây Thông nước, đặc biệt là việc sớm khắc phục sự cố về đập ngăn nước và sự xâm hại của người dân, góp phần giữ gìn, bảo tồn nguồn gen của loài cây quý phục vụ công tác nghiên cứu.

Phạm Cường