Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Người dân trồng mía khi thu hoạch xong không tiêu thụ được.
Nhiều ngày qua, gia đình bà Dương Thị Ráng (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) tất bật cải tạo lại đất để nuôi tôm sau khi buộc phải đốt bỏ ruộng mía hơn 3.000 m2.
“Mấy chục năm với nghề trồng mía, chưa bao giờ gia đình tôi rơi vào tình cảnh này. Mấy năm trước giá mía tuy thấp nhưng vẫn bán được. Bây giờ mỗi kg chỉ có giá vài trăm đồng mà không ai mua”, bà Ráng nói.
Không chỉ riêng trường hợp bà Ráng, nhiều hộ nông dân ở đây cũng gặp tình cảnh tương tự khi Xí nghiệp đường Cà Mau (thuộc Công ty cổ phần mía đường Tây Nam ở ấp I, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) thông báo không thu mua mía nguyên liệu trong vùng và hàng trăm hộ dân ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Ông Trần Trung Hiếu, ngụ xã Trí Phải buồn bã nói: “Vốn liếng đầu tư hết vào ruộng mía, giờ đến ngày thu hoạch bán không có người mua, buộc chúng tôi phải phá vỡ quy hoạch đưa nước mặn vào nuôi tôm”.
Còn ông Đỗ Văn Thắng, ngụ xã Trí Lực nhẩm tính nếu thuê nhân công thu hoạch mía, rồi vận chuyển đi nơi khác bán thì chắc chắn phải bù lỗ, dẫn đến chỉ còn cách phá bỏ ruộng mía.
Vài năm trở lại đây, tại một số vùng trồng mía ở đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng giá mía thất thường khiến người trồng thiệt hại nặng vẫn thường xảy ra, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng đốt bỏ mía vì không thể tiêu thụ. Ông Huỳnh Quốc Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết, chính vì sự thất thường về giá cả, dẫn đến tình trạng phá bỏ mía đưa nước mặn vào nuôi tôm đã nhiều năm qua, khiến diện tích trồng mía nguyên liệu theo quy hoạch của huyện cứ bị thu hẹp dần.
“Diện tích trồng mía của huyện giảm trên dưới 300 ha trong vòng vài năm trở lại đây. Ở vụ mùa này, chúng tôi biết nông dân gặp khó nhưng cũng không còn cách nào khác vì Xí nghiệp đường Cà Mau là nơi tiêu thụ mía duy nhất của địa phương, nhưng nay họ đóng cửa không mua”, ông Hoàng nói.
Xí nghiệp đường Cà Mau hiện là đơn vị duy nhất thu mua mía của 1.700 hộ trên địa bàn Cà Mau và khoảng 2.300 hộ ở tỉnh giáp ranh là Kiên Giang, với tổng diện tích khoảng 3.736 ha, lượng mía nguyên liệu gần 300.000 tấn. Tuy nhiên, mới đây, sau khi Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xử phạt 360 triệu đồng Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam, đơn vị đang quản lý Xí nghiệp đường Cà Mau do không hoàn thành việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, công ty đã quyết định tạm đóng cửa nhà máy.
Tiền thân của Xí nghiệp đường Cà Mau là Nhà máy Đường Thới Bình (Cà Mau) thuộc sở hữu Nhà nước. Đến năm 2009, nhà máy này cổ phần hóa, đổi tên thành Xí nghiệp đường Cà Mau và được giao cho Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam quản lý.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, do không có người mua nên hiện giá mía nguyên liệu tại Cà Mau đang giảm xuống rất thấp, chỉ còn khoảng 500 đồng một kg, nhưng vẫn không bán được, dù đã thấp hơn giá thành 200-300 đồng một kg.
Trước tình hình này, UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo Xí nghiệp đường Cà Mau khắc phục khó khăn, hoạt động trở lại và tiến hành thu mua mía trong dân. Đồng thời, Tỉnh cũng đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Thủ tướng xem xét, tạo điều kiện cho nhà máy hoạt động để giải quyết khâu tiêu thụ mua mía nguyên liệu của người dân trên địa bàn.
Người dân đốt bỏ mía rồi đào vuông nuôi tôm ở huyện Thới Bình, Cà Mau.