Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thừa Thiên - Huế: Hội thảo tham vấn về Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004

(08:01:06 AM 12/11/2014)
(Tin Môi Trường) - Ngày 11/11, tại thành phố Huế, Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung thuộc Đại học Nông lâm Huế phối hợp với Liên minh đất rừng (FORLAND) tổ chức hội thảo “Tham vấn cộng đồng và hộ gia đình về Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004” tại Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên - Huế: Hội thảo tham vấn về Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004

Ảnh: minh họa

 

Hội thảo đã nghe báo cáo kết quả nghiên cứu "Tham vấn cộng đồng và hộ gia đình về Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004". Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 307.000ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng là gần 283.000 ha, độ che phủ rừng là 56%. Từ năm 2000 - 2011, tỉnh đã giao 19.322 ha rừng cho người dân quản lý bảo vệ. Nhóm nghiên cứu đã triển khai hoạt động tham vấn tại 4 xã thuộc hai huyện Nam Đông, A Lưới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Qua đó, phát hiện 7 vấn đề trong quá trình tổ chức thực hiện Luật trong thực tiễn và đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ và phát triển rừng về những vấn đề liên quan đến cộng đồng và hộ gia đình như giao đất, giao rừng; khoán rừng và đất lâm nghiệp; chuyển mục đích sử dụng rừng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi ý kiến về những vấn đề thực tế được phát hiện tại địa bàn tham vấn, như: quy định giao rừng cho cộng đồng dân cư chưa thực sự phù hợp; những hạn chế, vướng mắc về mặt pháp lý trong việc giao rừng cho nhóm hộ; giao rừng không gắn với giao đất, chậm hoàn tất thủ tục cấp, đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân; chưa có chính sách hưởng lợi phù hợp cho người dân quản lý, bảo vệ rừng; bất cập trong chính sách đền bù đổi đất lâm nghiệp do quy hoạch dự án thủy điện không tương xứng... Đồng thời, nêu những đề xuất, kiến nghị đóng góp cho việc sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng như: sửa đổi luật phù hợp với quyền lợi của người dân, làm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người dân đối với rừng, làm rõ đối tượng bảo vệ rừng phù hợp nhất…

Trao đổi về vấn đề chủ rừng không được hưởng lợi gì trong xử lý khai thác gỗ trái phép ở rừng tự nhiên, ông Mai Văn Tâm, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Thực tế cho thấy, Nhà nước giao rừng nhưng vẫn xem rừng là tài nguyên nên chủ rừng không được hưởng khối lượng gỗ bị khai thác trái phép. Theo quy định, chủ rừng chỉ được nhận lại gỗ bị khai thác trái phép khi bắt được quả tang người vi phạm khai thác gỗ trái phép tại lâm phần của mình. Nhưng thực tế điều đó rất khó thực hiện vì các cơ quan chức năng khó bắt quả tang các đối tượng khai thác trái phép.

Ông Lê Văn Lân - Điều phối viên Điều phối viên liên minh FORLAND cho biết: Bất cập trong chính sách đền bù, đổi đất lâm nghiệp do quy hoạch dự án thủy điện không tương xứng đã và đang gây thiệt hại cho canh tác và sinh kế của người dân, điển hình như ở xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, sau 3 năm nhường đất để thực hiện dự án thủy điện A Lưới, đến nay các đơn vị vẫn bế tắc trong việc giải quyết đất sản xuất trồng rừng. Để giải quyết những bất cập này cần công khai, minh bạch trong thu hồi, đền bù đất lâm nghiệp cho dân; chính sách đền bù cần đảm bảo công bằng hoặc cải tạo những vùng đất mới phù hợp để tránh gây thiệt hại và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Tường Vi