Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Lâu nay, những quyển lịch trên thị trường lịch âm dương, dùng vào việc chọn ngày của nhân dân theo quan niệm tâm linh không có gì chuẩn mực cả. Các cuốn lịch Vạn sự in bán hằng năm hết sức tùy tiện. Những cuốn âm dương đối lịch có tác giả, có nhà xuất bản, nhưng làm theo ý của tác giả chứ không dựa trên nguyên tắc kinh điển, nhiều sai lệch.
Dưới đây tôi xin phân tích về cuốn sách “Âm Dương đối lịch 2011 – 2020” do Nhà Xuất bản Thanh Hóa ấn hành, là cuốn sách lịch mà nhân dân ta thường xuyên dùng chọn ngày cưới hỏi, làm nhà, mở cửa hàng... Sách in tới 3.000 bản, dầy 415 trang khổ 16 x 24, có giá 70.000đ ở thời điểm 2011.
Sai so với thuyết địa lý cổ
Sách này nói có 12 ngôi sao Trực (Của Thập nhị kiến khách, một trường phái trạch cát cổ đại Trung Quốc, đã giảm hoạt động dưới thời Hán Vũ Đế) là: Sao Kiến, sao Trừ, sao Mãn, sao Bình, sao Định, sao Chấp, sao Phá, sao Nguy, sao Thành, sao Thu, sao Khai, sao Bế. Ngày tốt xấu theo ý nghĩa của tên các sao ấy, như sao Mãn là đầy tràn, sao Chấp là dính mắc vào, sao Nguy là nguy hiểm...
Điều này chưa đúng. Thuyết địa lý cổ chia xích đạo làm 24 cung, tính từ tâm ra mỗi cung 150. Trong 24 cung đó cứ hai cung đi liền nhau thì có một cung mang tên con giáp ứng với tháng từ đầu năm đến cuối năm là: Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tý, Sửu. Theo quy luật, tháng Giêng đuôi cán gáo của chòm sao Bắc Đẩu chỉ vào cung Dần, thì các ngày Dần của tháng Giêng ứng với trực Kiến; tháng 2 đuôi cán gáo của chòm sao Bắc Đẩu chỉ vào cung Mão, thì các ngày Mão của tháng 2 ứng với trực Trừ; tháng 3 đuôi cán gáo của chòm sao Bắc Đẩu chỉ vào cung Thìn, thì các ngày Thìn của tháng 3 ứng với trực Mãn...
Cứ thế mà vận hành theo quy luật cho kết quả là: Ngày Tỵ của tháng 4 ứng với trực Bình, ngày Ngọ của tháng 5 ứng với trực Định, ngày Mùi của tháng 6 ứng với trực Chấp, ngày Thân của tháng 7 ứng với trực Phá, ngày Dậu của tháng 8 ứng với trực Nguy, ngày Tuất của tháng 9 ứng với trực Thành, ngày Hợi của tháng 10 ứng với trực Thu, ngày Tý của tháng 11 ứng với trực Khai, ngày Sửu của tháng 12 ứng với trực Bế.
Nhầm ngày tháng này sang tháng khác
Cái gay cấn nhất của sách này là đẩy ngày của tháng này sang tháng khác, khiến cho việc sử dụng rất rối ren. Ví dụ: Đẩy 8 ngày của tháng 4 sang tháng 5 năm Giáp Ngọ (2014). Đẩy 10 ngày của tháng 5 sang tháng 6 Giáp Ngọ. Đẩy 14 ngày của tháng 7 sang tháng 8 Giáp Ngọ. Đẩy 14 ngày của tháng 8 sang tháng 9 Giáp Ngọ. Do đẩy ngày tháng nọ sang tháng kia mà làm cho người chọn ngày bị nhầm, định dùng ngày tháng 8 thì đó lại là ngày của tháng 7.
Ở dưới lời giới thiệu của sách ghi: Lưu ý khi sử dụng: “Cột sao Trực, cứ đến ngày chuyển tiết khí mới tức là bước sang tháng âm lịch mới, chúng tôi bôi đen và đề tên tháng”.
Theo cách này ghi trong sách ở ô bôi đen thì ngày mùng 9 tháng 5 mới bắt đầu tháng 5; ngày 11 tháng 6 mới bắt đầu tháng 6; ngày 15 tháng tháng 8 mới bắt đầu tháng 8; ngày 15 tháng 9 mới bắt đầu tháng 9. Như thế tức là tháng 5 đến mồng 9 trăng mới mọc, tháng 6 ngày 11 trăng mới mọc, tháng 9 ngày 15 trăng mới mọc?!
Sao lại có thể kỳ quặc như vậy được. Chúng ta nên biết rằng cổ nhân làm lịch âm tức là lịch tính theo chu kì mặt trăng (nguyệt lịch) có 3 nguyên tắc cơ bản là:
a) Một Hoa giáp chu kỳ là 60 năm, khởi đầu là năm Giáp Tý luân chuyển can chi đến năm Quý Hợi, rồi lặp lại mọi chi tiết năm tháng ngày giờ.
b) Một năm tính theo chu kỳ trăng mọc 12 tháng can chi, hàng can luân chuyển, hàng chi cố định. Tháng giêng là Dần, tháng 2 là Mão, tháng 3 là Thìn, tháng 4 là Tỵ, tháng 5 là Ngọ, tháng 6 là Mùi, tháng 7 là Thân, tháng 8 là Dậu, tháng 9 là Tuất, tháng 10 là Hợi, tháng 11 là Tý, tháng 12 là Sửu.
c) Một tháng vận hành theo chu kỳ 12 ngày từ Tý đến Hợi, ngày nào là hoàng đạo, ngày nào là hắc đạo, có bao nhiêu sao tốt về việc gì, bao nhiêu sao xấu về việc gì. Các chi ấy đi với can nào thì thêm sao sao tốt sao xấu ứng với can đó. Cứ trăng bắt đầu mọc là mùng Một của tháng, gọi là Sóc, ngày 15 gọi là Vọng (rằm), ngày hết tháng gọi là Nguyệt tận.
Theo Ngọc hạp Thông thư của triều Nguyễn và mọi cuốn lịch cổ thì: Từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán đến ngày 29 hoặc 30 (tùy theo thiếu đủ) là tháng Giêng. Từ ngày mùng 1 đến ngày 29 hoặc 30 tháng tiếp theo là tháng 2. Từ ngày mùng 1 đến ngày 29 hoặc 30 của tháng tiếp theo là tháng 3. Cứ như vậy mà tính cho đến tháng Chạp (tháng 12).
Còn tiết khí thì lập xuân có khi đến sớm đậu ở cuối tháng chạp, có đến muộn đậu ở thượng tuần hoặc giữa tháng Giêng. Các tiết khí khác cũng vậy có khi đến sớm có khi đến muộn, hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới trật tự ngày tháng. Duy có người làm nông nghiệp thì căn cứ vào tiết khí mà gieo trồng. Còn mọi việc trong xã hội như làm nhà, cưới xin, giỗ chạp, tiệc làng và bất cứ việc gì đều theo Nguyệt lịch, chứ không ai theo tiết khí lịch như hai tác giả bầy vẽ ra.
Sử dụng phức tạp vì bị thay đổi trật tự
Cuốn âm dương đối lịch 2011 – 2020 này của hai tác giả là Nghiêm Minh Quách và Trần Khang Ninh cũng rút từ Lịch Vạn niên ra, nhưng đã bị thay đổi trật tự ngày tháng nên đã đẩy việc sử dụng đến chỗ rất phức tạp.
Ví dụ: Ngày Kỷ Tỵ mùng 2 tháng 8 Giáp Ngọ, sách ghi: Trực thu, Hành Mộc – Sao tốt có Địa tài, Ngũ phú, U vi tinh, Yến yên, Lục hợp, Kim đường – Sao xấu có Tiểu hồng sa, Kiếp sát, Địa phá, Thần cách, Hà khôi, Lôi công, Thổ cấm, Ly sào, Xích khẩu.
Nhưng theo Ngọc hạp Thông thư, thì ngày Kỷ Tỵ mùng 2 tháng 8 Giáp Ngọ ghi: Trực Thành. Sao tốt có Thiên hỷ, Nguyệt tài, Phổ hộ, Tam hợp – Sao xấu có Ngũ quỷ, Cô thần, Thổ cấm, Chu tước.
Như vậy theo sách Âm dương đối lịch thì ngày Kỷ Tỵ 2 tháng 8 Giáp Ngọ là ngày Kim đường hoàng đạo và nhiều sao tốt. Còn theo Ngọc hạp Thông thư thì ngày này là ngày Chu tước hắc đạo không thể dùng vào việc quan trọng được (nếu là chọn ngày, còn công việc làm ăn bình thường thì chả sao cả).
Ngày Kỷ Hợi mùng 2 tháng 9 Giáp Ngọ, sách ghi: Trực mãn Sao tốt có: Thiên đức hợp, Thiên phú, Yến yên, Dịch mã, Nguyệt giải. Sao xấu có Thổ ôn, Hoang vu, Quả tú, Tiểu không vong, Sát chủ, Huyền vũ. Theo Ngọc hạp Thông thư thì ngày Kỷ Hợi mùng 2 tháng 9 Giáp Ngọ, ghi: Trực thành. Sao tốt có Thiên thành, Ngũ phú, Hoàng ân, Kính tâm, Nhân chuyên, Ngọc đường – Sao xấu có Hoang vu, Kiếp sát, Ngũ hư, Trùng tang, Trùng phục.
Ngày này nếu theo sách Âm dương đối lịch là ngày hắc đạo và nhiều sao xấu, không làm nhà được. Nhưng theo Ngọc hạp Thông thư thì ngày này làm nhà tốt vì vừa là Hoàng đạo vừa có sao Nhân chuyên trừ khử được sao xấu.
Những sự không đồng nhất như thế khiến người sử dụng rất phiền phức.
Ngày nay chúng ta đâu có tổ chức nào làm nhiệm vụ chiêm tinh quan sát bầu trời suốt ngày đêm ghi chép các loại sao xấu sao tốt, và còn tính toán có bao nhiêu ngôi ước lệ nữa theo ngày đó. Làm gì có cơ quan nào khảo cứu cả một hệ thống lịch pháp của các triều đại phong kiến Trung Quốc để rút tỉa lấy những sao tốt sao xấu ứng với phân dã của nước ta, dùng cho việc chọn ngày. Chắc chắn những kiến thức làm âm lịch vẫn phải học từ kinh điển, chúng ta chưa ai đủ trình độ để thay thế tiền bối. Nếu cứ tự tung tự tác sẽ gây ra phức tạp phiền hà cho xã hội.
Theo tôi, Ngọc hạp Thông thư của Triều Nguyễn là lịch chuẩn, vì rằng lịch này do Bộ lễ làm ra để vua ban cho dân chúng sử dụng, đã sàng lọc kỹ càng, xếp thành quy luật Vạn Niên, đời sau cứ thế mà dùng. Những người làm lịch đương thời chỉ cần trích ngang từ Lịch Vạn niên một cách trung thành là tốt lắm rồi.