Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Số iPhone 6 mà ông L. đưa lên các mạng mua bán dụ người mua - Ảnh: Trung Hiếu
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó tổng thư ký kiêm trưởng đại diện phía Nam của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trao đổi về vụ "Sập bẫy iPhone 6 giá rẻ". Ông Dũng nhận định, đa phần người bị lừa là các đầu nậu, chủ các cửa tiệm điện thoại mua đi bán lại, chứ người mua về để xài rất ít.
Người bị lừa là đầu nậu, đại lý
Ông Nguyễn Ngọc Dũng nói: Như tôi được biết anh (ông L. - PV) này bắt đầu từ năm 2006 có bán nước hoa, quảng bá trên các mạng xã hội và được nhiều người biết đến và nguyên cả năm ngoái đã bắt đầu bán iPhone 4 và iPhone 5. Hoạt động của họ là kinh doanh trực tiếp chứ không phải trên mạng. Như vậy có thể thấy người đi lừa đã có ý đồ từ trước. Những người bị lừa dường như đã thân quen, thân thuộc và làm ăn lâu dài với kẻ đi lừa.
Có thể lúc trước người đi lừa làm ăn đàng hoàng nhưng sau đó họ có sự cố hay động cơ để cất được "mẻ lưới" lớn. Nếu như giao dịch qua mạng sẽ không cất được mẻ lưới lớn như vậy mà nếu có làm được cần thời gian rất dài. Nếu anh bán trên mạng, cái iPhone 6 từ hơn hai mươi mấy triệu xuống còn hơn mười mấy triệu đồng, người tiêu dùng sẽ nghi ngờ ngay. Trong khi các cửa hàng bán hai mươi mấy triệu thì anh bán mười mấy triệu hỏi ai mà không nghi ngờ cho được. Không thể có chuyện rẻ như vậy được. Mà nếu có rẻ như thế thì người tiêu dùng lại nghĩ đó là đồ luộc, đồ giả.
Một điều nữa cần lưu ý trong vụ này là kẻ đi lừa muốn cất một mẻ lưới lớn, nhanh chỉ có nhắm vào các đầu nậu, cửa hàng điện thoại. Cho nên đa phần những người dính vào vụ này là các chủ cửa hàng mua, đặt cọc với số lượng lớn. Còn người mua lẻ rất ít thậm chí không có.
- Như ông nói thì không dễ lừa mà đối tượng đi lừa đã đánh đúng vào lòng tham của các nạn nhân?
Tôi không nói là họ tham hay không tham. Nhưng ở đây có vấn đề là cả người bán lẫn người mua đều biết tường tận về nhau. Chứ nếu anh là người trước đó không tạo được uy tín mà đưa vu vơ lên mạng đâu có thể lừa được một tiền lớn như vậy được. Đây phải là sự quen biết rất thân, đã có làm ăn, đã có trao đổi với nhau rất thường xuyên. Tôi không biết là họ có làm ăn gì với nhau hay không nhưng như thông tin báo chí nêu thì việc mua bán, nhận tiền đều dựa trên những văn bản rất đơn sơ, ít ràng buộc.
Với góc nhìn của Hiệp hội Thương mại điện tử thì đây không phải là hình thức thương mại điện tử.
- Nhưng việc trao đổi thông tin cũng xuất phát từ trên mạng. Vậy theo ông tình trạng lừa đảo này không được coi là thương mại điện tử đúng nghĩa nhưng nó có diễn ra phổ biến trên mạng hay không?
Ở đâu cũng có tình trạng lừa đảo cả. Ngay cả giao dịch trực tiếp hay ở ngoài chợ cũng có tình trạng người này lừa người kia. Không chỉ lừa điện thoại mà còn lừa cả nhà, xe và rất nhiều thứ. Vụ việc này cũng giống như hình thức huy động vốn. Anh lấy tiền của người sau trả cho người trước, sau đó là một cú thật lớn rồi trốn luôn.
Chuyện này cũng không phải là hoạt động kinh doanh trên mạng mà đây chính là sự lừa đảo. Đây cũng không phải là hình thức giao dịch thương mai điện tử. Cho nên kết tội lừa đảo qua mạng là không đúng. Rõ ràng việc kết tội như vậy ảnh hưởng xấu đến kinh doanh trên mạng ở thời điểm này.
Tôi nói thiệt mấy ông kinh doanh điện thoại di động, đầu ông nào cũng có sạn cả rồi, không dễ gì mà lừa được. Cho nên trong vụ này, người đi lừa đã tình toán rất kỹ lưỡng và sử dụng mối quan hệ thân thiết, có quá trình kinh doanh trước đó chứ không phải mới lên mạng lừa xong rồi bỏ chạy. Việc rao iPhone 6 giá thấp giống như miếng mồi ngon để đưa con mồi vào bẫy.
Rủi ro nằm trong cơ hội
- Trong vụ việc này trang nhattao hay 5 giây có chịu trách nhiệm liên đới gì không vì trước đó đăng thông tin liên quan đến vụ việc?
Các trang này không có trách nhiệm liên đới gì trong vụ việc này cả. Nếu các trang này rao những hàng cấm, hàng giả, hàng kém với mục đích lừa đảo thì mới chịu trách nhiệm, còn cái này là rao iPhone không phải hàng cấm. Việc rao giá bao nhiêu tùy người bán, miễn điều đó thuận mua vừa bán là được. Cái này cũng giống như anh ra chợ An Đông, chủ cửa hàng ra giá iPhone 6 là 15 triệu đồng nhưng nói hết hàng, khách muốn mua phải đặt cọc. Sau này giao dịch có sự cố, chủ tiệm bỏ chạy, khách cũng không thể lên ban quản lý chợ đòi phải có trách nhiệm được.
- Như ông nói vụ việc trên không đúng với bản chất thương mại điện tử nhưng rõ ràng việc người bán gặp người mua ban đầu diễn ra trên mạng. Vậy ông có những cảnh báo hay chỉ ra dấu hiệu gì lừa đảo trước những thông tin rao bán trên mạng để cho người tiêu dùng tránh?
Cái này tôi cứ nói hoài. Không có gì là rẻ bất ngờ, mà nếu có thì đi kèm với nó là sự bất ổn. Không có cái gì vừa ngon, bổ lại rẻ cả. Đó là điều chắc chắn. Nhưng trong vụ này khó có lời khuyên lắm. Nếu tôi là chủ cửa hàng điện thoại, tham rẻ bán kiếm lời thì tôi cũng dính bẫy à. Bởi đây là kế hoạch lừa đảo đã được định sẵn từ trước. Khi mua rẻ anh giấu, không nói với ai, mà âm thầm mua 15 triệu đồng rồi ra ngoài bán 20 triệu đồng, lời 5 triệu ngon ơ. Lúc đó anh sẽ gom tiền, nhào đầu vào mua liền chứ đâu cần thông báo với ai. Tới khi bị lừa anh mới la làng lên chứ làm ăn ngon lành thì im ru.
- Những vụ lừa như vừa qua ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động thương mại điện tử đang rất phát triển ở Việt Nam?
Hiện nay tất cả các hoạt động giao dịch, mua bán, người ta đều sử dụng kênh internet để quảng bá. Thậm chí đất nghĩa trang người ta còn lên mạng rao bán. Kênh internet là kênh quảng bá hiệu quả nhất cho người kinh doanh. Còn chuyện lừa lọc ở đâu cũng có. Nơi nào có cơ hội thì cũng tiềm ẩn rủi ro trong đó.
Những lưu ý khi mua hàng trên mạng
Ông Đinh Hữu Thành, quản trị viên mạng nhattao.com, đưa ra một số lưu ý khi mua hàng trực tuyến:
Với người mua: Cẩn thận với người bán hàng không có địa chỉ, không có số điện thoại rõ ràng. Hết sức cẩn thận với những lời chào hàng giá rẻ hơn nhiều so với thị trường. Trước khi giao tiền cần phải tìm các thông tin trên mạng, hỏi người khác để biết chính xác về món hàng, các phụ kiện kèm theo, đến xem trực tiếp món hàng, thử hết các tính năng, thời gian và điều kiện bảo hành, thời gian và điều kiện trả lại máy.
Người mua không nên giao tiền trước khi nhận được hàng, đặc biệt với những người bán mới, không quen biết. Khi muốn mua một món hàng nào đó thì tốt nhất dùng điện thoại liên lạc mua ngay, không nên nhắn tin. Với những món hàng có giá trị cao nên chọn mua ở các cửa hàng, thương gia hay thành viên đã có thương hiệu, địa chỉ rõ ràng. Không nên để người bán mang hàng đến chỗ mình xem khi mình chưa thật rõ về món hàng. Bởi vì người mua có thể hủy không mua và thực sự làm phiền người bán.
Với người bán: Nên đăng bán chỉ một món hàng trong một bài để người mua dễ dàng xem, tìm kiếm và so sánh giá cả. Tiêu đề rõ ràng, nghiêm túc. Giá cả chính xác, tình trạng liệt kê đúng với tình trạng thực của sản phẩm cần bán. Cập nhật đầy đủ địa chỉ và số điện thoại. Số điện thoại nên được nhập và xác thực qua hệ thống trang web giao dịch, không nên đăng trong nội dung bài viết để thông tin số điện thoại được bảo mật.
Người bán hàng nên có hình ảnh chụp sản phẩm thật. Mô tả tình trạng sản phẩm càng chi tiết càng tốt. Nên cho người mua xem thật kỹ món hàng trước khi nhận tiền của họ. Không nên mang máy đến chỗ người mua vì họ có thể không mua sau khi xem máy với rất nhiều lý do khác nhau.