Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ: TL
Với tình hình sạt lở nhanh, mạnh như thời gian qua, những năm tới, sẽ có khoảng 500 căn nhà của người dân bị ảnh hưởng. Ruộng vườn, nhà cửa cứ bị sông "ăn" mất nên người dân rất lo lắng. Chính quyền địa phương đã tính toán xây dựng bờ kè chống sạt lở, nhưng thiếu kinh phí nên dự án vẫn nằm trên giấy.
Ấp 2, xã Phước Khánh nằm ở ngã 3 sông Long Tàu. Theo người dân ở đây, trước đây, lòng sông đoạn này rất nhỏ, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, mỗi năm, nước cuốn đi hàng ngàn khối đất bên bờ, lòng sông vì thế mà lớn dần. Những hộ dân sống gần bờ sông, hàng tháng phải bỏ ra khoảng 2 triệu đồng để mua cát đóng bao và đá làm tường ngăn sạt lở. Về mùa mưa, các gia đình phải đưa con, cháu đi gửi ở những nhà nằm xa bờ sông. Ông Nguyễn Văn Tích ở ấp 2 cho biết: Gia đình tôi hàng tháng vẫn mua cát bỏ bao tải, đá về ngăn phía bờ sông nhưng chỉ được khoảng vài chục ngày là nước cuốn mất. Lo nhất là mùa mưa, nước sông dâng cao tràn vào nhà cuốn trôi cả đồ đạc. Gia đình ông dự tính chuyển đi nơi khác nhưng vì không đủ tiền mua đất, làm nhà nên phải trụ lại.
Ông Nguyễn Văn Việt ở ấp 2 cho biết: Gần 10 năm trước, bờ sông cách nền nhà ông hơn 100m, nhưng giờ nước đã cuốn trôi hết diện tích đất vườn, bờ sông chỉ còn cách nền nhà ông Việt khoảng 10m. Tình trạng sạt lở diễn ra ngày một nhanh là do những năm gần đây mưa lũ thường xuyên xuất hiện. Ông Việt khẳng định, sở dĩ gia đình ông trụ được ở đây là do 2 năm qua, tháng nào ông cũng phải mua đá để kè lại bờ.
Theo UBND xã Phước Khánh, trên địa bàn xã có khoảng 10 km bờ sông, tuy nhiên, việc sạt lở (dài gần 1km) chỉ xảy ra trên địa bàn ấp 2. Thời gian qua, bờ sông tại ấp 2 đã ăn sâu vào bờ khoảng 100m, có 14 hộ đã bị mất nhà do sạt lở và hàng chục ngôi nhà của các gia đình khác đang có nguy cơ sạt lở cao. Hiện 14 hộ dân có nhà bị nước cuốn đã được chính quyền địa phương cấp đất tái định cư và đã dời đi.
Ông Nguyễn Thành Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Khánh nhận định: Với tình hình sạt lở như hiện nay thì những năm tới 500 hộ dân tại ấp 2 sẽ bị ảnh hưởng. Để ngăn chặn sạt lở, giữ đất, đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền đã khảo sát, bàn phương án xây dựng bờ kè, song vì kinh phí lên đến nhiều tỷ đồng nên dự án chưa thực hiện được.
Lãnh đạo UBND huyện Nhơn Trạch cho biết, kinh phí xây dựng bờ kè chống sạt lở vượt quá khả năng của huyện nên huyện Nhơn Trạch đã kiến nghị tỉnh Đồng Nai hỗ trợ kinh phí. Vừa qua, tỉnh đã cử đoàn về khảo sát và yêu cầu huyện có văn bản đề xuất cụ thể đối với từng hạng mục. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho những hộ dân có nguy cơ bị sạt lở cao ở ấp 2, xã Phước Khánh, sắp tới huyện Nhơn Trạch sẽ xây dựng một khu tái định cư, tiếp nhận những hộ dân ở khu vực này vào ở. Tuy nhiên, đây là những giải pháp lâu dài. Trước mắt, huyện Nhơn Trạch chỉ đạo xã Phước Khánh đề ra một số phương án, biện pháp hỗ trợ người dân chống sạt lở; khi xảy ra mưa lớn, xã cử lực lượng đến giúp dân chống lũ.