Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Xây dựng mô hình sản xuất chế biến nước mắm bằng năng lượng mặt trời – Giải pháp khôi phục làng nghề truyền thống ở Cẩm Nhượng Ảnh: Thái Sơn
Trước đây, nhiều người sành ăn ở Hà Tĩnh và một số tỉnh phía Bắc chắc hẳn chưa quên hương vị đặc trưng của nước mắm cốt cá cơm pha mực ống mang nhãn hiệu “Nước mắm bà Thắm” - một xưởng sản xuất nước mắm danh tiếng có từ thời thuộc Pháp của đất Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Trước cách mạng tháng Tám, sản phẩm nước mắm của gia đình ông cũng đã được đi dự đấu xảo ở thủ đô Pa-ri và vinh dự được nhận mề đay chất lượng Vàng sản phẩm không có vi khuẩn.
Nước mắm Bà Thắm cùng với nước mắm Cẩm Nhượng từ nhiều thập kỷ trước đã tạo nên một thương hiệu khá nổi tiếng ở Hà Tĩnh. Với lợi thế của một xã ven biển, nguồn thủy sản dồi dào cùng với bí quyết truyền thống nên thương hiệu nước mắm Cẩm Nhượng được nhiều người biết đến như một địa chỉ tin cậy. Những năm hưng thịnh, người dân Cẩm Nhượng sử dụng hàng ngàn tấn nguyên liệu cá nổi làm nước mắm, thị trường mở rộng đưa lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.
Tuy nhiên, những năm gần đây nghề sản xuất nước mắm ở Cẩm Nhượng đã dần mai một do nhiều nguyên nhân đã làm cho người dân không còn mặn mà với nghề sản xuất nước mắm. Việc quy hoạch nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm cùng với nguồn lợi từ việc sản xuất nước mắm không còn cao như trước đã làm cho nghề sản xuất này ngày càng mai một. Không chỉ ở Cẩm Nhượng, một số cơ sở sản xuất nước mắm ở Hà Tĩnh dù đã tạo được chỗ đứng trên thị trường nhưng nhìn chung bức tranh tổng thể vẫn còn quá manh mún, thiếu tính tổng thể khó cạnh tranh.
Trước thực tế đó, năm 2013, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh đã xây dựng dự án "Ứng dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất và chế biến nước mắm, nhằm xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững cho cộng đồng dân cư xã Câm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh". Dựa án được xây dựng trên cơ sở chuỗi đề tài được triển khai thành công tại các địa phương như Kỳ Xuân (Kỳ Anh), Thạch Kim (Thạch Hà) đã được Hội đồng khoa học Sở KH&CN Hà Tĩnh đánh giá kiểm nghiệm. Các hoạt động của dự án nhằm hướng đến đưa hoạt động sản xuất nước mắm tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao chất lượng sản phẩm trên cơ sở kinh nghiệm truyền thống.
Theo kế hoạch của dự án, trong thời gian hai năm với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng, dự án sẽ triển khai mô hình sản xuất - chế biến nước mắm thông qua việc ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời. Với giải pháp này chất lượng nước mắm được tăng độ thơm, rút ngắn thời gian sản xuất, chi phí phí đầu tư và nhân công giảm so với phương pháp truyền thống. Đặc biệt đây là một hướng sản xuất hạn chế được được mùi nước mắm bốc ra trong quá trình giang phơi, tận dụng được nguồn năng lượng tự nhiên để sản xuất, chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sau khi được Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF-SGP) phê duyệt, ngày 31/10. tại xã Cẩm Nhượng Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh đã tổ chức hội nghị triển khai dự án với sự tham gia của các ngành, địa phương, các chuyên gia và đơn vị tài trợ. Tại hội nghị Ban điều hành cũng như chính quyền địa phương, các cấp quản lý và chuyên gia cam kết sẽ thực hiện thành công các mục tiêu của dự án, góp phần khôi phục nghề truyền thống này. Cũng tại Hội nghị đại diện UBND huyện Cẩm Xuyên, Sở KH&CN Hà Tĩnh nhất trí hỗ trợ các nguồn kinh phí để đầu tư các hạng mục đối ứng dự án. Ông Nguyễn Trung Kiên, một hộ dân tham gia dự án cho biết “Tôi gắn bó với nghề sản xuất nước mắm từ rất lâu rồi, nhưng gần đây khó khăn quá, nay được giúp đỡ công nghệ để sản xuất, được làm một nghề mà mình tâm nguyện tôi rất vui”.
Nước mắm Cẩm Nhượng mang đặc trưng riêng, mùi vị thơm ngon của nước mắm nơi đây chính là sự kết hợp hài hoà giữa độ tươi ngon của cá, với vị mặn nồng vừa đủ của muối biển, sức nóng gây men của ánh nắng mặt trời. Tin tưởng rằng việc ứng dụng công nghệ sản xuất nước mắm sẽ góp phần phát huy tiềm năng lợi thế của xã ven biển có nguồn thủy hải sản dồi dào nâng cao nguồn thu nhập cho bà con nơi đây.