Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trụ sở của Bio-Rad Laboratories ở Hercules, California - Ảnh: Bio-rad.com
Theo hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), Bio-Rad là nhà cung cấp các thiết bị xét nghiệm và chẩn đoán y tế, có trụ sở tại Hercules, California.
Theo kết quả điều tra của Bộ Tư pháp và SEC, Bio-Rad đã chi 7,5 triệu USD để hối lộ các quan chức ở Việt Nam, Thái Lan và Nga từ năm 2005-2010 nhằm bôi trơn công việc kinh doanh. Qua đó, Bio-Rad kiếm lợi phi pháp khoảng 35,1 triệu USD.
Bio-Rad nói chi 2,5 triệu USD tại Việt Nam
Hồ sơ điều tra của SEC cho biết từ năm 2005 đến cuối 2009, Bio-Rad mở một văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Giám đốc chi nhánh Việt Nam quản lý mọi hoạt động của văn phòng và thông qua hàng loạt hợp đồng, mỗi hợp đồng trị giá 100.000 USD và tiền hoa hồng để hối lộ là 20.000 USD/hợp đồng.
Giám đốc chi nhánh Việt Nam cáo báo lên giám đốc bán hàng khu vực Đông Nam Á (RSM) của Bio-Rad Singapore.
Từ năm 2005-2009, giám đốc chi nhánh Việt Nam của Bio-Rad đã thông qua việc hối lộ cho các quan chức địa phương để bôi trơn hoạt động kinh doanh.
Theo lệnh của giám đốc, các nhân viên bán hàng của Bio-Rad chi tiền mặt cho lãnh đạo các bệnh viện và phòng thí nghiệm nhà nước để họ ký hợp đồng mua các sản phẩm của Bio-Rad.
Năm 2006, giám đốc bán hàng khu vực Đông Nam Á lần đầu tiên biết về việc đưa hối lộ từ một nhân viên tài chính. Vị giám đốc này đã bày tỏ sự lo ngại với giám đốc chi nhánh Việt Nam.
Ngày 18-5-2006, giám đốc chi nhánh Việt Nam gửi một bức thư điện tử tới RSM thừa nhận việc đưa hối lộ đã vi phạm quy định của Bio-Rad.
Giám đốc này cảnh báo Bio-Rad sẽ mất 80% doanh số ở Việt Nam nếu không đưa hối lộ và đề xuất giải pháp đưa hối lộ qua một nhân vật trung gian để tránh nguy cơ pháp lý.
Theo đó, Bio-Rad Singapore sẽ bán sản phẩm cho một nhà phân phối Việt Nam với mức giá ưu đãi. Nhà phân phối này sẽ bán sản phẩm lại cho các bệnh viện Việt Nam với giá gốc. Một phần tiền ưu đãi trong các hợp đồng của Bio-Rad là dành cho hối lộ.
RSM và giám đốc bán hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Bio-Rad cho phép văn phòng Việt Nam tiếp tục hối lộ các quan chức bệnh viện để đảm bảo doanh số.
Ước tính từ năm 2005-2009, văn phòng Bio-Rad Việt Nam đã chi 2,2 triệu USD cho bên trung gian và bên trung gian này đưa lại cho các quan chức bệnh viện.
Văn phòng Bio-Rad Việt Nam che đậy hành vi hối lộ bằng cách khai các khoản tiền đút lót này là “tiền hoa hồng”, “phí quảng cáo“ và “phí đào tạo”. Ước tính thông qua các vụ hối lộ, văn phòng Việt Nam đã đạt doanh số 23,7 triệu USD cho Bio-Rad Singapore.
Các “nhà trung gian” Nga
Từ năm 2005 đến đầu 2010, Bio-Rad bán được khá nhiều thiết bị chẩn đoán y tế cho Chính phủ Nga. Bio-Rad thắng thầu cung cấp thiết bị cho Chính phủ Nga theo quy trình đấu thầu đòi hỏi sự phê chuẩn của nhiều quan chức các cấp.
Các hợp đồng lớn nhất của Bio-Rad tại Nga là bán thiết bị xét nghiệm HIV và ngân hàng máu cho Bộ Y tế Nga.
Trong thời gian này, Bio-Rad Nga có một giám đốc riêng. Giám đốc này báo cáo hoạt động của công ty lên giám đốc các thị trường mới nổi (EMGM) của Bio-Rad.
Từ năm 2005-2006, EMGM làm việc tại văn phòng của Bio-Rad SNC, chi nhánh của Bio-Rad ở Marnes-La-Coquette, Pháp, chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm Bio-Rad. Sau đó EMGM chuyển đến làm việc tại trụ sở Bio-Rad ở Mỹ.
Từ năm 2005 đến đầu 2010, Bio-Rad chi cho ba “nhà trung gian Nga” tiền hoa hồng từ 15-30% giá trị hợp đồng để họ chuyển một phần tiền này tới tay các quan chức Chính phủ Nga.
Mục tiêu là đảm bảo các cơ quan chính phủ Nga ký hợp đồng mua thiết bị chẩn đoán của Bio-Rad. Kẻ chủ mưu là giám đốc Bio-Rad Nga.
Các “nhà trung gian Nga” trên thực tế đều là công ty nước ngoài có tài khoản ngân hàng ở Latvia và Lithuania, có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan chịu trách nhiệm đấu thầu mua thiết bị.
Ba “nhà trung gian Nga” ký hợp đồng với Bio-Rad không hề có văn phòng hay nhân viên ở Nga, nhưng đã ký thỏa thuận cung cấp hàng loạt dịch vụ co Bio-Rad, từ quảng bá, phân phối sản phẩm cho đến đào tạo cho khách hàng.
Một “nhà trung gian” này thậm chí sử dụng địa chỉ giả ở Matxcơva là địa chỉ một cơ quan nhà nước. Sau khi giám đốc Bio-Rad Nga qua đời năm 2007, người kế nhiệm tiếp tục việc chi tiền hối lộ. Cả hai giám đốc này đã che đậy kỹ càng hoạt động của các “nhà trung gian Nga”.
Ví dụ, chỉ có giám đốc mới liên hệ với “nhà trung gian” và không lưu bất cứ hồ sơ gì liên quan đến họ.
Từ năm 2007, giám đốc Bio-Rad Nga sử dụng ít nhất 10 địa chỉ thư điện tử cá nhân với các tên giả khác nhau khi trao đổi với EMGM về các “nhà trung gian Nga”. Ông ta dùng mật mã như “nợ xấu” để nói về tiền hoa hồng chi cho các “nhà trung gian” này.
Ước tính các “nhà trung gian Ngan” nhận khoảng 4,6 triệu USD trong doanh số 38,6 triệu USD mà Bio-Rad bán được ở Nga. Một phần tiền này được trích ra để hối lộ các quan chức Nga. Bio-Rad SNC ghi trong sổ chi tiêu rằng đây là tiền hoa hồng.
Hoạt động chi tiền hối lộ kéo dài cho đến năm 2010 khi Bio-Rad Nga ngừng hợp đông với các “nhà trung gian”. Kể từ đó, Bio-Rad Nga đánh mất hợp đồng với Chính phủ Nga.